Hoang báo tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Nhiều trường hợp làm mất đồ giá trị lớn hoặc muốn lấy tiền từ phía gia đình, người thân nên báo án giả bị chiếm đoạt tài sản đến cơ quan Công an. Vậy hành vi báo án giả có vi phạm pháp luật không và bị xử lý thế nào? Đặng Văn Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Báo tin giả đến Công an làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng và gây bức xúc tâm lý cho người thi hành công vụ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh an toàn xã hội…

Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này, hành vi “Báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 triệu đồng. Đáng chú ý, hành vi “Báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn rất nhiều. Cụ thể, tại điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu việc báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi tội phạm khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng. Ví dụ, kế toán công ty rút tiền quỹ chi tiêu rồi giả vờ trình báo bị cướp để chiếm đoạt số tiền thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Hoặc trường hợp báo tin giả để xúc phạm danh dự, uy tín, vu khống cá nhân, tổ chức nào đó, người báo tin cũng sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng theo Điều 155 tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 tội vu khống.