"Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ…"

(ANTĐ) - 5h30 đón em ở sân bay. Nhớ mang theo cốm Vòng anh nhé.

"Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ…"

(ANTĐ) - 5h30 đón em ở sân bay. Nhớ mang theo cốm Vòng anh nhé.

Nhận được tin nhắn của em, tim tôi muốn nổ tung. Quen biết nhau gần năm trời, nhiều lần tôi vào Sài Gòn thăm em, từng ngồi ngắm lục bình trôi dàn dạt trên sông Sài Gòn, từng tận hưởng thời tiết “mưa rồi chợt nắng”, từng nếm đủ mùi vị của ẩm thực khẩn hoang phương Nam, nhưng mời em ra Hà Nội chơi thì nhất quyết em từ chối. Vậy mà lần này, em đột ngột bay ra dịp Đại lễ 1.000 năm, khiến tôi vừa mừng vừa lo. Trước khi tắt điện thoại để lên máy bay, em còn nhắn: “Vì hôm trước đi qua đường Kha Vạn Cân, thấy có mùi hoa sữa nồng nàn từ một ngôi nhà của “người Hà Nội” nào đó. Thế là em biết mùa cốm xanh đã về”.

Hà Nội đã vào thu, tuy cây cơm nguội chưa vàng, cây bàng lá vẫn còn xanh, nhưng cùng với mùa lúa chiêm, mùa cốm cũng đã về với mùa hồng trên khắp phố phường. Cốm Vòng là đặc sản Hà Nội, tưởng ra ngõ là gặp, nhưng món quà nghe chừng không cầu kỳ mà lại khá khó khăn với tôi, một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà thành. Bởi lâu nay ai cũng biết, để được thưởng thức cốm làng Vòng một lần thì không phải người Hà Nội nào cũng có vinh dự. Cứ đến mùa, cốm theo chân những gánh hàng rong tung tẩy khắp phố phường, hỏi mua ai cũng bảo đó là cốm làng Vòng chính hiệu. Còn có phải thật hay không thì có lẽ chỉ người sành ăn và người làng Vòng mới được tường tận. Không phải nghe đồn mà muốn thưởng thức bằng được, em gái Sài Gòn có gốc gác đất Huế của tôi vốn kỹ tính, nàng thường bảo, đặc sản nào cũng phải được thưởng thức tại chính nơi làm ra nó thì mới tận hưởng được hết mùi, hết vị.

Nhớ ra cậu bạn thân hồi cấp 3 là người làng Vòng, tôi nhanh chóng liên lạc. May sao, cậu ta cho biết nhà mình vừa làm xong một mẻ cốm mới. Nghe tôi “trình bày”, cậu bạn phóng vù đến chỗ hẹn, dúi cho tôi một bọc to, lại còn tinh quái “thuyết giảng” cho tôi một bài, nhỡ em gái Sài Gòn có hỏi thì còn biết mà “thể hiện”: “Nhiều người không biết chính xác nghề cốm làng Vòng (thôn Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có từ bao giờ, tớ chỉ nghe các cụ ở làng Vòng kể lại: Vào một mùa thu cách đây cả nghìn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm đi cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần chống đói. Không ngờ món ăn bất đắc dĩ ấy lại có hương vị đặc biệt, rất hấp dẫn. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm, hạt cốm ngày càng xanh, mỏng, dẻo và thơm… Cốm trở thành đặc sản quý tiến vua nhà Lý (1009 - 1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.

Cốm làng Vòng thơm ngon đặc trưng vì chỉ trồng loại nếp hoa vàng trên diện rộng để không bị lai tạp với các loại nếp khác. Làm cốm cũng đầy công phu, nghệ thuật. Tuy vậy, không phải mỗi mẻ cốm ra lò đều ngon như nhau. Người làng Vòng chúng tớ chia ra các loại: cốm lá me nhỏ và nhẹ như lá me, thường bay ra qua những lần sàng sẩy. Loại cốm này ít và hiếm, thường chỉ để cho gia chủ thưởng thức. Cốm rót thơm ngon thứ nhì, chỉ chiếm 2/10 mỗi mẻ cốm. Đây là những hạt nếp non sau khi giã sẽ tự vón vào với nhau như hạt ngô, hạt đỗ, đặc biệt đến cuối mùa lại càng hiếm. Loại cốm còn lại trong cối giã là loại cốm đầu nia loại 1, loại 2 được đem bán. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa nên hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau”.

Khẽ rùng mình vì cái lạnh se se, em hít một hơi dài như để cảm nhận hết mùa thu xứ Bắc vào lồng ngực nhỏ. Màu xanh non của cốm được bọc trong màu xanh đậm của lá sen, ngoài buộc sợi rơm vàng nổi bật trên đôi bàn tay trắng trẻo xinh xinh của em. Dắt đôi bàn tay thơm đi tung tăng giữa phố phường Hà Nội, em như con chim nhỏ sà vào hàng chuối trứng cuốc lốm đốm hay chọn những quả hồng trứng to tròn đỏ mọng để ăn cùng cốm. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi em biết đến sự kết hợp thú vị này. Em mỉm cười đầy bí hiểm: “Em phải biết, phải biết chứ. Để nhỡ đâu nay mai có người mang bánh cốm vào biếu ba mẹ mình”.

Và tôi biết, với cả tôi và em, mùa thu Hà Nội năm nay đẹp hơn bao giờ hết.

Như Phong