Điều đặc biệt trong bộ phim điện ảnh làm về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ phim điện ảnh “Vầng trăng thơ ấu” do Hãng phim Giải Phóng sản xuất sẽ hé lộ một phần quan trọng trong cuộc đời của Bác Hồ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống. Phim dự kiến khởi chiếu từ ngày 17-5-2024.

Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ và 113 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, bộ phim điện ảnh "Vầng trăng thơ ấu" do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17-5-2024 tại các cụm rạp trên toàn quốc. Những thước phim tái hiện lại quãng thời gian niên thiếu của Bác Hồ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung sống ở kinh thành Huế.

Trên tấm poster giới thiệu về phim, hình ảnh Ngọ Môn – di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía Nam của Hoàng thành ở Huế xuất hiện ở chính diện, cùng với đó là chân dung của 4 diễn viên chính của phim, gương mặt thể hiện cảm xúc và nỗi niềm khác nhau. Hình ảnh gia đình 4 người gợi nhắc giai đoạn bậc thân sinh ra Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Hoàng Thị Loan đưa các con vào Huế sinh sống vào năm 1895. Đặc biệt, phía dưới cùng của tấm poster này là hình ảnh gia đình 4 người trong gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi ấy đang vất vả gánh gồng băng băng vượt qua những đồi cát mênh mông.

Những thước phim do đạo diễn Hồ Ngọc Xum dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Đặng Thị Thanh Bình, lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lần đầu tiên vào Huế. Kịch bản phim từng giành giải Ba cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020" do Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL tổ chức.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ, bộ phim có ý nghĩa đặc biệt này đến với mình như một cơ duyên, khi ông đang thực hiện một dự án phim truyền hình khác thì được lãnh đạo Công ty CP phim Giải Phóng gọi điện để mời đảm nhận vai trò dàn dựng "Vầng trăng thơ ấu". Ngay khi đọc xong kịch bản phim, ông đã rất xúc động và ấn tượng với nhiều chi tiết ở các trang viết và quyết định lên đường đi Huế, Nghệ An để tìm hiểu, khảo sát thực tế. Cũng theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, phim sẽ phác họa hình ảnh thời niên thiếu của Bác với hình ảnh một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường, có không ít trò đùa nghịch như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hư cấu nhưng đều dựa trên những tư liệu xác đáng và tin cậy.

Theo tư liệu sử sách ghi lại thì cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình của mình đã có giai đoạn nhiều năm sống ở kinh thành Huế. Trong quãng thời gian này, cậu học trò nhỏ đã thấy được rất nhiều điều mới mẻ, nhận ra sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và cả sự bất lực của triều đình Huế. Những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí và càng hun đúc, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt của cậu trò nhỏ.

Hình ảnh trong phim
Hình ảnh trong phim

Đây cũng chính là khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một con người. Người đã sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường "cứu dân - cứu nước".

Tại chính mảnh đất này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã trải qua một biến cố rất lớn khi mẹ mình là bà Hoàng Thị Loan sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó đã qua đời vào ngày 10-2-1901. Lúc này, ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung lúc đó 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đến gần. Vì thế, Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thủa thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tham gia diễn xuất trong phim là dàn diễn viên tài năng: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...