Mua bán pháo hoa trái phép trên Zalo, Facebook có thể bị phạt nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Càng sát Tết Nguyên đán, trên mạng xã hội nhiều cá nhân đã rao bán pháo hoa do Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất bất chấp nguy cơ có thể bị phạt nặng...

Về điều kiện kinh doanh pháo hoa, khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;

Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;

Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Như vậy, các cá nhân, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng và không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự... thì không được kinh doanh pháo hoa. Trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện, người thực hiện hành vi mua bán pháo hoa trái phép có thể bị phạt hành chính.

Theo đó, hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng (khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép…

Còn theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021, với hành vi hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng

Ngoài ra, với trường hợp mua bán các loại pháo nổ (loại gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian) mà người dân không được phép sử dụng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức phạt tù lên đến 15 năm.

Về phía người dân, việc mua pháo hoa bán tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Zalo không chỉ phải chịu giá cao (mức giá bán lại của các loại pháo hoa thường cao gấp nhiều lần) so với giá nhà máy Z121 niêm yết mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Pháo hoa là mặt hàng cần được bảo quản cẩn thận và người bán phải được huấn luyện an toàn về phòng, chống cháy nổ. Do vậy, để tránh tiền mất, tật mang, mỗi cá nhân cần thận trọng kẻo mua phải hàng giả hoặc hàng kém chất lượng gây mất an toàn.