- Lịch chi trả gộp lương hưu 2 tháng trước dịp Tết Nguyên đán
- Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết: Sẽ tập trung vào các sản phẩm được tiêu dùng nhiều
Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết và quan hệ lao động trong doanh nghiệp trước 25/12.
Thời điểm này, các địa phương bắt đầu rục rịch gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH.
Là một trong những địa phương gửi báo cáo sớm, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên cho biết, báo cáo của tỉnh này được tổng hợp từ 267 doanh nghiệp với 132.055 người lao động qua các doanh nghiệp trên địa bàn.
Dự kiến, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân 868.000 đồng/người; mức thưởng cá biệt Tết dương lịch cao nhất: 80.000.000 đồng thuộc về một công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Dự kiến, mức thưởng Tết Âm lịch bình quân 7,6 triệu đồng/người; mức thưởng cá biệt Tết Âm lịch cao nhất: 130.000.000 đồng.
Tại Hưng Yên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Văn Dũng cho hay, theo báo cáo của 125 doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều có kế hoạch thanh toán đầy đủ các khoản trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cho người lao động. Không có doanh nghiệp nợ lương người lao động.
Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất là 100.000 đồng đối với một số công ty TNHH và Công ty cổ phần; cao nhất là 192 triệu đồng/người thuộc về một công ty sản xuất bánh kẹo trên địa bàn tỉnh.
Mức thưởng Tết Âm lịch thấp nhất là 300.000 đồng/ người; mức cao nhất là 300 triệu đồng/ người thuộc công ty sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán năm 2023 là 1,004 tỉ đồng tại một doanh nghiệp dân doanh ở TP Đà Nẵng. Mức thưởng cao tập trung ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương như TP. HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.