Công an Thủ đô thi đua học tập, làm theo lời Bác:

Món quà giá trị nhất là sự yêu mến, ghi nhận của nhân dân

ANTD.VN - Gương mặt hiền, giọng nói nhẹ khiến ít ai nghĩ rằng Thượng úy Hoàng Hoa Sơn lại từng là người lính hình sự mẫn cán và nhiều kinh nghiệm.

Thượng úy Hoàng Hoa Sơn luôn gần dân, lắng nghe người dân...

Thượng úy Hoàng Hoa Sơn hiện là Cảnh sát khu vực, CAP Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Có điều ít ai biết, trước khi đến với công việc hiện giờ, anh đã kinh qua nhiệm vụ của một người lính hình sự. Và trước khi trở thành lính hình sự, anh từng có thời gian gần 3 năm làm lính cứu hỏa.

Quên nguy hiểm vì đam mê công việc

Đam mê công việc điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc nên trong thời gian làm lính phòng cháy chữa cháy, Hoàng Hoa Sơn quyết định theo học Trung cấp Cảnh sát 1, Khoa Cảnh sát Hình sự với mong muốn học xong sẽ chuyển sang làm lính hình sự. Hoàng Hoa Sơn thổ lộ, anh xác định dù là lính cứu hỏa hay hình sự cũng đều vất vả, đều có những rủi ro riêng khi tác chiến, có điều được làm việc mình đam mê vẫn hạnh phúc nhất.

Đến giờ ngồi nhẩm lại những vụ việc mà mình từng tham gia khi làm lính hình sự ở phường Trần Hưng Đạo, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn vẫn nhớ rành rọt từ đối tượng đến vụ việc như vừa mới xảy ra. Đơn cử như vụ đối tượng dùng thuốc mê cho bạn gái uống khi đi ăn cùng, sau đó dìu bạn gái vào chỗ vắng, lấy hết tài sản đồ đạc, xe máy rồi bỏ trốn về quê ở Hà Nam; vụ đối tượng giả làm công an lừa mua bán xe máy qua mạng ở địa chỉ số 55 phố Lý Thường Kiệt rồi bỏ trốn về Thái Nguyên… Mỗi vụ việc đều cho anh những kinh nghiệm không thể nào quên.

Mặc dù chuyển sang đảm nhiệm công việc Cảnh sát khu vực nhưng mỗi khi nhận được yêu cầu điều động của Ban chỉ huy Công an phường tham gia phá các vụ án phức tạp từ hình sự, ma túy, môi trường… xảy ra trên địa bàn, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn luôn sẵn sàng “ứng chiến”. Nhiều người dân ở khu dân cư số 7, phường Trần Hưng Đạo vẫn quen gọi anh là “lính hình sự khu vực” chứ không chỉ là “cảnh sát khu vực”. 

Đặc thù công việc của một người lính hình sự khiến anh thường xuyên đi sớm về khuya, thường xuyên phải tiếp cận, va chạm với các đối tượng bị truy nã manh động và liều lĩnh. Có lần sau nhiều ngày cùng đồng đội mật phục một đối tượng nghiện ma túy và bị HIV giai đoạn cuối đang hoạt động trên địa bàn phường, anh cùng đồng đội ập vào bắt giữ. Đối tượng hung hăng manh động, các anh phải vật lộn rất vất vả mới trấn áp được hắn.

Trước đó, kíp hình sự của anh đã biết trước việc đối tượng này thường xuyên dùng kim tiêm dính máu để trong người sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng nhưng vì “máu” nghề nghiệp nên Hoàng Hoa Sơn cũng như các đồng đội của anh đều không chút ngần ngại. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao bắt giữ, không để đối tượng làm hại người dân, chứ quả thực không còn cân nhắc nguy hiểm cho bản thân hay không được nữa”, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn kể lại. 

Thời gian mới chuyển sang làm lính hình sự ở CAP Trần Hưng Đạo, theo yêu cầu của Ban chỉ huy quận và phường về việc tăng cường thường xuyên đi đêm bắt các đối tượng trộm cắp tài sản của khách du lịch nước ngoài trên địa bàn, vợ chồng Thượng úy Hoàng Hoa Sơn quyết định chủ động tạm hoãn lại việc sinh con để anh có thể tập trung làm tốt nhiệm vụ công việc. 2 năm sau, vợ chồng anh mới đón nhận đứa con đầu lòng. Đến nay, tổ ấm nhỏ của vợ chồng anh đã có 2 bé trai, bé lớn sinh năm 2012 và một bé sinh năm 2014.

Chuông điện thoại lúc nửa đêm quen thuộc

Một thời gian sau khi làm lính hình sự, theo sự phân công của Ban chỉ huy CAP Trần Hưng Đạo, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn chuyển qua đảm nhận công việc Cảnh sát khu vực. Nhiệm vụ mới thoạt nghe có vẻ gần gũi nhưng lại khá lạ lẫm với anh bởi là một Cảnh sát khu vực nghĩa là làm đủ thứ việc từ nhỏ đến lớn của các hộ dân trên địa bàn mình được phân công quản lý, từ hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, hàng xóm láng giềng…

Thượng úy Hoàng Hoa Sơn nói vui, anh đã quen với việc người dân gọi Cảnh sát khu vực chỉ vì hàng xóm phơi quần áo phản cảm, cống tắc, khói bụi… Chiếc điện thoại của anh luôn trong tư thế “trực chiến” 24/24 giờ, dù là ở cơ quan hay ở nhà. Chuyện đang ngủ mà điện thoại réo và phải bật dậy để giải quyết chuyện cãi cọ, ẩu đả, cháy… với anh là việc hết sức bình thường. 

... và tận tụy với công việc của một cảnh sát khu vực

Người cảnh sát khu vực “nhớ nghề” hình sự

Mặc dù chuyển sang làm Cảnh sát khu vực nhưng mỗi khi nhận được yêu cầu điều động của Ban chỉ huy phường tham gia phá các vụ án phức tạp từ hình sự, ma túy, môi trường… xảy ra trên địa bàn, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn luôn sẵn sàng “ứng chiến”. Nhiều người dân ở khu dân cư số 7 phường Trần Hưng Đạo vẫn quen gọi anh là “lính hình sự khu vực” chứ không chỉ là “cảnh sát khu vực”. 

Thượng úy Hoàng Hoa Sơn kể lại, năm 2016 trước kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, qua công tác rà soát tạm trú và nhân khẩu trên địa bàn, anh phát hiện có đối tượng nghi vấn và bằng biện pháp nghiệp vụ đã nhanh chóng xác minh đối tượng này đang bị Công an TP.HCM truy nã. 3 ngày trước khi kỳ bầu cử diễn ra, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ của một trinh sát, anh đã “câu nhử” được đối tượng ra phường và chính tại đây, anh đọc quyết định truy nã trước sự ngỡ ngàng của đối tượng. 

Trong thời gian làm Cảnh sát khu vực, Thượng úy Hoàng Hoa Sơn đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tình huống, cảnh ngộ. Trong đó, anh vẫn nhớ một đối tượng nghiện ma túy nhưng có bố mẹ đều là cán bộ, trí thức, mang tâm lý ngại với mọi người nên cố giấu. Việc động viên gia đình đưa đối tượng này đi cai nghiện vì thế cũng rất khó khăn. Sau nhiều nỗ lực và kiên trì, rốt cuộc anh cũng thuyết phục được gia đình của người này đưa con đi cai nghiện tự nguyện. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, đối tượng này từ trại đã đi về thẳng phường để gặp anh và nói lời cảm ơn trước khi về nhà đoàn tụ cùng bố mẹ mình. 

“Gia tài” của Thượng úy Hoàng Hoa Sơn đến giờ là rất nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, nhưng như anh tâm sự, món quà ý nghĩa và giá trị nhất với anh chính là sự yêu mến, ghi nhận của người dân khu dân cư số 7, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.