Mới nhất: Hàng loạt trường hợp bị thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô từ năm 2025

ANTD.VN - Nghị định 160/2024/NĐ-CP nêu rõ tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe cùng nhiều trường hợp bị thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô với cơ sở đào tạo từ 1/1/2025.

Nghị định 160/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.

Về việc thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô đối với cơ sở đào tạo, Điều 21 Nghị định 160/2024/NĐ-CP nêu rõ, cơ sở đào tạo bị thu hồi giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp:

Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô; Cơ sở đào tạo lái xe không tổ chức hoạt động đào tạo lái xe trong thời gian 24 tháng liên tục;

Bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô từ 2 lần trở lên trong thời gian 18 tháng; Giấy phép được cấp không đúng với thẩm quyền hoặc sai quy định; Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trên giấy phép được cấp;

Cho thuê, cho mượn giấy phép đào tạo lái xe ô tô; Cơ sở đào tạo lái xe giải thể theo quy định của pháp luật.

Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô thực hiện việc thu hồi theo trình tự sau:

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 160/2024/NĐ-CP hoặc giải thể hoạt động đào tạo lái xe, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải nộp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho Sở Giao thông vận tải, đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động đào tạo lái xe ô tô theo giấy phép đã bị thu hồi ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

Về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, theo Điều 10 Nghị định 160/2024/NĐ-CP, giáo viên dạy lý thuyết đáp ứng các tiêu chuẩn:

Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành pháp luật hoặc ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;

Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm: cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, sư phạm, sư phạm kỹ thuật; trung cấp sư phạm; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.

Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên; Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo;

Giáo viên dạy các hạng B, C1 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe; giáo viên dạy các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe;

Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm: cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, sư phạm, sư phạm kỹ thuật…; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình khung quy định.

Nghị định 160/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.