Mơ hồ và mù mờ

ANTĐ - Đánh giá các mục tiêu của Bộ Công Thương đặt ra trong năm 2013 như xuất khẩu 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, nhập khẩu 136 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu 8%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phải nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thì mới mong đạt được những mục tiêu. Đặc biệt, Bộ Công Thương phải thấy rõ những hạn chế, yếu kém cả về năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh để ra sức khắc phục. Thủ tướng cho rằng, công nghiệp nước ta vẫn nặng về gia công, nhiều ngành phát triển chậm, chiến lược quy hoạch chất lượng thấp, nổi cộm nhất là công nghệ cao, cơ khí chế tạo, phụ trợ…

Thẳng thắn đặt câu hỏi về hình hài công nghiệp Việt Nam ra sao khi “ô tô không ra ô tô, tàu thủy không ra tàu thủy”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở: “Công nghiệp hóa chất thế nào mà mười mấy năm qua làm thuốc kháng sinh không được? Hình hài công nghiệp phụ trợ thế nào?”. Ông đặt câu hỏi: “Có cần xác định lại những ngành công nghiệp  thực sự cần thiết hay không, chẳng hạn như ô tô, đóng tàu”. Câu hỏi lớn này đã được một số chuyên gia phân tích sâu sắc khi đề cập mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Như thế nào là “cơ bản”, là “theo hướng hiện đại hóa” lại không có bộ tiêu chí nào để xác định, cho nên định hướng còn mơ hồ.

heo tính toán có cơ sở, sớm nhất đến năm 2030 nước ta mới đạt được trình độ như Malaysia hiện nay về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị gia tăng, trong khi trình độ công nghệ của họ vẫn chưa được coi là nước công nghiệp hiện đại. Một thực tế hiển nhiên là công nghiệp nước ta thâm dụng nhập khẩu, nhập siêu triền miên máy móc, thiết bị, nguyên liệu, dù mấy tháng cuối năm 2012 nhập siêu có giảm nhưng là do sản xuất trong nước đình đốn, tồn kho. Một tiến sĩ kinh tế nhận xét, giả sử đến năm 2020, công nghiệp nước ta tăng trưởng đạt 11-20%, thu nhập đầu người lên tới 4.800 USD, thì vẫn chưa thể đạt được mức 6.800 USD để được thế giới công nhận là nước công nghiệp hiện đại.

Thực tế thì làm sao đạt được con số tăng trưởng “trong mơ” đó. Ngay cả khi quy đổi con số 4.800 USD ra sức mua của người dân để được số cao hơn thì đó là tự mình dùng một thước đo khác với thế giới. Vì vậy, công nghiệp hóa ở nước ta không thể theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, dư địa chính sách để tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp không được như là Hàn Quốc, Đài Loan khi các quy định của WTO chưa “trói buộc” họ bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, nước ta tiến hành công nghiệp hóa với lực lượng nòng cốt là các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.

Ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia cũng như một số nhà hoạch định chính sách đều khẳng định, đã đến lúc nước ta phải công nghiệp hóa có chủ định, có phương án rõ ràng. Sản xuất phải gắn với phân phối, tiêu thụ. Trong lĩnh vực quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ một biện pháp dựng hàng rào thuế quan mà cũng không làm rốt ráo. Năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực, 90% hàng công nghiệp Trung Quốc chỉ chịu thuế 0-5%. Chỉ hai năm nữa, người dân sẽ phải mua toàn hàng hóa nước ngoài hoặc hàng của công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam với giá cao, vì doanh nghiệp trong nước kiệt quệ, đóng cửa hoặc bán lại cho công ty nước ngoài.

“Mổ xẻ” hình hài công nghiệp sau 20 năm phát triển, Thủ tướng bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều ngành công nghiệp then chốt còn “mù mờ” dù năm 2020 đến nơi rồi. Còn một số chuyên gia thì cho rằng, định hướng, chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp vẫn còn mơ hồ.