MiG-21 của khối NATO chính thức dừng bay

ANTD.VN - Romania, thành viên khối NATO chính thức dừng bay toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-21 do tỷ lệ tai nạn cao, thay thế cho loại máy bay này những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất.

Bộ Quốc phòng Romania ngày 15/4 thông báo sẽ vận hành phi đội F-16 cho nhiệm vụ kiểm soát trên không, trong nỗ lực củng cố sườn đông liên minh, sau khi phi đội MiG-21 dừng bay.

Quyết định được Romania đưa ra sau vụ tiêm kích MiG-21 của rơi hồi đầu tháng 3 vừa qua khiến phi công thiệt mạng.

Romania vận hành 17 tiêm kích F-16, gồm 14 chiếc F-16AM và ba chiếc F-16BM mua lại của Bồ Đào Nha năm 2016.

Bộ Quốc phòng Romania cho biết họ sẽ đẩy nhanh kế hoạch mua 32 chiếc F-16 từ Na Uy, tương đương hai phi đoàn.

"Các phi đoàn F-16 đảm bảo hoạt động trong ít nhất 10 năm, đồng thời dần chuyển đổi sang tiêm kích thế hệ 5 F-35", thông cáo của Bộ Quốc phòng Romania có đoạn.

Romania gia nhập NATO năm 2004, có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 2,5% GDP trong năm tới.
Hơn 3.000 binh sĩ NATO đang đóng quân tại Romania

Tiêm kích MiG-21 do Liên Xô phát triển từ những năm 1950, với gần 11.500 chiếc được sản xuất.

Dù được Liên Xô phát triển nhưng biến thể MiG-21 LanceR do Romania nâng cấp được đánh giá ngang tầm với F-16 đời đầu của Mỹ.

Không quân Romania từ nhiều năm trước đã thực hiện chương trình nâng cấp khoảng 100 chiếc MiG-21 21M/MF/UM lên gói MiG-21 LanceR để đáp ứng yêu cầu của khối NATO.
Chương trình nâng cấp MiG-21 LanceR phối hợp với Israel thực hiện thành 3 phiên bản chính gồm: MiG-21 LanceR A; MiG-21 LanceR B và MiG-21 LanceR C.
Trong đó, bản LanceR C được tối ưu hóa chiếm ưu thế trên không, trong khi bản A dùng cho cường kích, bản B dùng cho huấn luyện.
So với MiG-21 nguyên bản, MiG-21 LanceR C thay đổi rất nhiều, gồm hệ thống điện tử, radar, vũ khí…
Cận cảnh buồng lái MiG-21 LanceR C hiện đại hóa với 2 màn hình tinh thể lỏng đa năng và màn hình HUD. So với MiG-21 nguyên bản rõ ràng đã rất khác nhau.
MiG-21 LanceR C trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực hiện đại EL/M-2032 có tầm trinh sát xa tới 150km, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu cùng lúc và dẫn hướng tên lửa diệt một mục tiêu trong số đó.
Thậm chí, mũ bay của phi công MiG-21 LanceR còn tích hợp thêm thiết bị hiển thị mục tiêu.
Ngoài ra, MiG-21 LanceR C trang bị hệ thống đối phó điện tử mà điển hình là khả năng phóng mồi bẫy nhiệt đánh lừa tên lửa đối không tầm nhiệt của đối phương.
Về hỏa lực của MiG-21 LanceR, tải trọng vũ khí là không thể thay đổi mà chỉ cho phép nó mang tên lửa đối không tiên tiến hơn.
Máy bay vẫn gồm 5 giá treo (4 trên cánh và 1 dưới thân) cho phép mang tối đa 4 đạn tên lửa (tùy vào loại đạn).
Máy bay vẫn sử dụng một khẩu pháo cao tốc 23mm gắn trong thân.
MiG-21 LanceR có khả năng mang tên lửa không đối không tầm nhiệt hiện đại R-73 (tầm bắn 20km) hoặc tên lửa Python 3 do Israel chế tạo, tầm bắn 15km.
Về động cơ, MiG-21 LanceR vẫn giữ động cơ tuốc bin phản lực R-25-300 cho tốc độ tối đa hơn 2.100km/h, bán kính chiến đấu khoảng 500km, trần bay hơn 17.000m, tốc độ leo cao 220m/s.
Nhiều chuyên gia quân sự nhận định MiG-21 LanceR có tính năng chiến đấu tương đương F-16 đời đầu của Mỹ.
MiG-21 LanceR của Romania đôi lúc được NATO điều động trong những chiến dịch tuần tra hay bay chặn các máy bay của Nga bay gần không phận khối này.