Mẹ chồng “quê” của tôi

ANTĐ - Kể tới câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu của mình, tôi chỉ muốn gởi lời nhắn nhủ tới các nàng dâu rằng: hãy yêu thương, tôn trọng mẹ chồng như mẹ đẻ của mình thì sẽ nhận lại được tình cảm tốt đẹp như thế.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi hay than thở rằng: không biết tới khi nào mẹ chồng mới thấu hiểu và yêu thương con dâu? Rằng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi có được một người mẹ chồng tâm lý và tuyệt vời đến vậy.

Tôi về làm dâu của mẹ đã 13 năm có lẻ. Hơn 13 năm trôi qua với biết bao thăng trầm, đổi thay trong cuộc sống nhưng sợi dây tình cảm của tôi và mẹ chồng vẫn luôn bền chặt, gắn bó. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, tôi được bố mẹ cưng chiều như một cô công chúa nhỏ, chẳng khi nào phải đụng tay, đụng chân vào bất cứ việc gì. Thế nên khi biết tôi yêu và quyết định lấy Đạt, bố mẹ ra sức khuyên ngăn vì sợ công chúa của bố mẹ phải khổ. Bởi hoàn cảnh của Đạt khó khăn, ở nông thôn, nhà có 3 chị em, Đạt là con trai duy nhất. Vẫn nhớ lần về thăm nhà Đạt vào đúng mùa gặt, cả nhà tất bật đi làm đồng, một mình tôi ở nhà vì không biết làm gì, có đi chỉ thêm vướng chân.

Chính mẹ Đạt cũng không muốn con trai lấy một cô vợ thành phố, chẳng biết làm gì thì làm sao phụ giúp công việc nhà chồng, làm sao hoàn thành vai trò của người con dâu trong gia đình chồng. Bằng giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, bà khuyên tôi nên nghĩ lại, bởi con gái thành phố lá ngọc cành vàng như tôi nếu lấy Đạt sẽ vất vả vô cùng. Đạt còn rất nhiều việc phải lo nên việc cho tôi một cuộc sống nhung lụa sẽ chỉ là trong dự định. Bà bảo không muốn tôi một ngày nào đó, khi cuộc sống có những phức tạp vì thiếu thốn, lại nói lời hối tiếc vì đã lựa chọn Đạt làm chồng. Bà bảo, bà muốn có một cô con dâu biết việc để đỡ đần bà. "Nồi nào vung nấy cháu ạ".

Ảnh minh họa.

Khi nghe những tâm sự rất thật của mẹ anh, tôi lại càng có thêm động lực cùng Đạt xây dựng một gia đình nhỏ. Tôi muốn mình mang lại hạnh phúc cho Đạt và chăm sóc người mẹ của anh như chăm sóc chính mẹ của mình. Và chúng tôi đã thuyết phục hai bên gia đình để tổ chức đám cưới. Thực tình, khi đám cưới diễn ra, bố mẹ hai bên vẫn còn ái ngại, gượng gạo bởi những lý do của mình. Ngày về làm dâu, dù đã tự nhủ sẽ cố gắng học những công việc đồng áng nhưng đối với tôi, điều ấy chẳng dễ dàng gì. Học cày bừa cấy hái còn khó hơn học chữ. Nhưng với tình yêu và sự quyết tâm sẽ làm một người con dâu tốt, tôi chẳng ngại ngần chịu khó để học. Dù biết mẹ chồng nghiêm khắc và hơi khó tính nhưng tôi không ngại ngần với mẹ, chính tôi đã tâm sự, đã nhờ mẹ dạy tôi việc làm đồng cũng như những việc nhà mà tôi chưa bao giờ làm.

Tôi nghĩ rằng, đã cất tiếng gọi “mẹ - con” thì làm sao xóa dần đi khoảng cách là điều vô cùng cần thiết. Những việc gì không biết, không hiểu, tôi luôn hỏi mẹ, lắng nghe mẹ chỉ dẫn. Và tôi thực sự xúc động và vui sướng khi mẹ chồng luôn ở sát bên, dạy cho tôi từng li từng tí, từ cách gieo mạ, cách cắm cây mạ xuống bùn, cách cầm cái liềm để cắt lúa đến cách trồng khoai, ngô, sắn... Trời mùa hè nắng như thiêu như đốt, tôi không ít lần say nắng, chính bàn tay mẹ pha cho tôi cốc nước chanh đường, đắp lên trán tôi chiếc khăn lạnh và nấu cho tôi từng bát cháo, dù bà luôn bảo "đã nói trước rồi mà có nghe đâu". Mẹ dạy cho tôi cách nấu những món ăn đồng quê dân dã. Cá rô phi đồng kho mặn, cách làm cá thính hay món tôm nhỏ phơi khô sào với khế... Ngon mà rẻ! Mẹ chồng nhà quê của tôi, giản dị và chân thành như thế!

Tôi về quê làm việc được hai năm thì hai vợ chồng chuyển công tác ra thành phố. Tiền tiết kiệm từ ngày cưới cộng với vay mượn của bạn bè, chúng tôi mua được một căn hộ nhỏ trong thành phố. Đón mẹ ra ở cùng để tiện chăm sóc nhưng ngược lại, chính mẹ lại giúp hai vợ chồng tôi bao nhiêu là việc. Hai vợ chồng son trẻ, chưa có em bé, nếu không có mẹ "quán xuyến" thì chắc chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu tiên ra thành phố, khi điều kiện đã có phẩn dư dả, tôi quan tâm tới mẹ nhiều hơn. Tôi đưa bà đi mua sắm quần áo, tư vấn cho bà những bộ quần áo mới để thay đổi một chút. Chiều về, thấy bà đang nấu cơm là tôi cũng vào phụ giúp nói chuyện. Hai mẹ con thỉnh thoảng vẫn cùng đi dạo buổi tối mùa hè, bà kể cho tôi nghe thời thơ ấu của bà, rồi cả tình yêu thời trẻ và cả những lo lắng cho các con. Tình cảm hai mẹ con cứ đầm ấm như thế.

Cuộc sống không phải không có những phức tạp. Khi đứa con đầu lòng chào đời, trong gia đình cũng có những lần tranh luận để có hướng đi thuận lợi nhất cho cháu nội của bà, con trai chúng tôi. Ví như chuyện cho cháu đi học trường công hay trường tư. Mẹ chồng muốn tôi đăng ký cho con đi học ở trường công vì ở đó học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo cho con được học chương trình chính thống. Còn hai vợ chồng tôi lại muốn cho con học lớp mẫu giáo ở trường tư vì ở đó ít cháu, con mình sẽ được chăm sóc cẩn thận hơn.

Có tranh luận, nhưng hai vợ chồng tôi luôn thể hiện sự tôn trọng mẹ. Một mặt đồng tình với ý kiến của bà, mặt khác chúng tôi phân tích cho bà thấy việc thuận tiện khi cho cháu học ở trường tư. Không phản bác ý kiến của bà, cũng không thể hiện thái độ "cháu nó là con của con, con có quyền quyết định" vì như thế là không tôn trọng bà, sẽ khiến bà tự ái. Nhiều lúc hai vợ chồng giận dỗi vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt tôi lại tâm sự với bà, nghe lời khuyên của bà "chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê". Chính bởi thế, tôi tạo được niềm tin của mẹ, xóa đi khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Dù có ngồi cùng trong cơ quan, nhưng ai cũng ngạc nhiên vì không bao giờ thấy tôi nói xấu hay kể lể chuyện nhà chồng. Bây giờ, tôi đã sống chung với mẹ chồng 13 năm, nhưng chưa bao giờ mẹ chồng con dâu có khúc mắc gì ghê gớm, tôi cũng chưa có một lời xúc phạm nào đối với bà, và cũng chưa bao giờ nghe thấy bà nói xấu tôi. Nhờ có mẹ chồng lo lắng việc nhà cửa, con cái nên tôi cũng yên tâm công tác, không phải bận tâm đến việc gia đình, nên công việc ngày càng trôi chảy. Còn chồng tôi thì cảm thấy rất hạnh phúc, vì gia đình lúc nào cũng hòa thuận, yên vui. Chồng tôi thường bảo, nhà anh may mắn vì đã lấy được người con dâu trưởng như tôi.

Bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi hay nhiều lúc thấy tôi mua quần áo, thức ăn tẩm bổ cho mẹ chồng thì bảo tôi làm vậy là lấy lòng mẹ chồng. Nhưng, lấy lòng mẹ chồng và có tình cảm thực sự dành cho mẹ chồng là hoàn toàn khác nhau. Các nàng dâu hay nghĩ rằng mình chỉ cần làm tất cả mọi việc, mua quà cho mẹ chồng là sẽ được mẹ chồng yêu quý. Nhưng nếu tất cả những việc ấy chỉ được làm để tròn vai, để hoàn thành trách nhiệm của một người con dâu thì tình cảm mẹ chồng - nàng dâu hoàn toàn không thể bền chặt. Bởi tất cả đều phải xuất phát từ tấm lòng, từ sự kính trọng, yêu thương.

Không có một người mẹ nào khi phải san sẻ tình cảm của con trai với một người phụ nữ khác lại không cảm thấy thiếu hụt. Vậy nên bù đắp cho bà sự yêu thương, quan tâm và tôn trọng là điều mà bất kỳ người con dâu nào cũng cần làm. Dù có những quan điểm sống khác nhau thì cần phải chia sẻ để tìm ra một hướng đi chung, hài hòa sẽ tránh được những bất hòa trong cuộc sống. Hãy học hỏi để có cách ứng xử hợp lý nhất, hãy yêu thương, trân trọng mẹ chồng để giữ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tốt đẹp nhất, đó cũng là khi giữ cho gia đình nhỏ của mình một nền tảng hạnh phúc, giữ cho hình tượng người phụ nữ đàng hoàng, đúng mực và thông minh trong mắt chồng và mọi người.