Mặt cười, mặt mếu?!

ANTĐ - Ông có vẻ đào hoa, chắc mấy ngày lễ dành cho phái đẹp phải sắp xếp thời gian khoa học lắm mới có thể gặp gỡ hết các chị em trong diện “tình thân mến thân”?

- À, ừm, hồi trẻ thì thi thoảng có chuyện ấy, nhưng rồi thấy phiền, thấy bị trách móc nên bây giờ hầu như chả gặp ai cho đỡ rối, có điều vẫn phải soạn một cái tin nhắn, đa phần là “chuyển tiếp”, còn vài cái, tùy từng đối tượng mà lựa chọn nội dung, tưởng dễ hóa ra cũng phải động não ra phết. 

- Đừng nghĩ là chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi hỏi thế vì thấy thương các cô giáo tiểu học, từ ngày Bộ Học ra thông tư thay vì chấm điểm học sinh bằng nhận xét đánh giá, các cô không chỉ “choáng” vì số lượng sổ sách tăng đến hai lần cho một học sinh mà còn đau đầu về lời nhận xét học sinh trên giấy trắng mực đen. 

- Chuyện này nghe nói có một số trường sáng tạo lắm, họ dùng con dấu khắc mấy mẫu câu rồi đóng vào, có nơi là dán hình bông hoa, hình mặt cười cho em nào ngoan giỏi, mặt mếu cho em nào cần cố gắng...

- Tôi biết nhiều phụ huynh cũng mếu vì cách nhận xét này, họ tha hồ tưởng tượng xem con mình ngoan giỏi ra sao, yếu kém thế nào. Trẻ con đi học về cũng chẳng được khoe hôm nay được mấy điểm, chúng biết gì về những lời nhận xét chung chung. 

- Các cô giáo thì mệt, nếu nhận xét tỉ mỉ cho 40-45 học sinh thì thời gian đâu, với lại chẳng mấy em giống nhau nên không thể em nào cũng nhận xét giống em nào. “Động não” đến rức óc ấy chứ. 

- Cho nên trên mạng xã hội mới có việc một số giáo viên chia sẻ với nhau “ngân hàng lời phê gợi ý” để tiết kiệm thời gian. 

- Quá giỏi, và tôi đồ rằng khi chấm điểm thì rặt những điểm 9, điểm 10, còn bây giờ thì toàn những lời “có cánh”.

- Và cô, trò, phụ huynh sẽ đều là những “mặt cười”, còn thực chất thế nào phải đợi “hồi sau mới rõ”.