Mảnh tên lửa hành trình Nga công bố bắn hạ thực chất là những quả đã đánh trúng mục tiêu?

ANTD.VN - Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, bằng chứng mà phía Nga đưa ra để chứng minh rằng phòng không Syria đã bắn rơi tới 71 tên lửa hành trình của liên quân đã bị đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ về tính xác thực.

Hôm qua, Bộ quốc phòng Nga đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế nhằm cung cấp bằng chứng rằng phòng không Syria đã bắn hạ được tên lửa hành trình do liên quân được Mỹ dẫn đầu phóng xuống Damascus đêm 14/4.

Phía Nga tuyên bố rằng các hệ thống tên lửa phòng không ra đời từ thời Liên Xô đã tiêu diệt tới 71 trên tổng số 103 quả tên lửa hành trình phóng từ biển và từ máy bay.

Đây là xác suất chiến đấu cao đến không ngờ, nhất là khi vũ khí Syria sử dụng đều bị đánh giá là lạc hậu, không đủ sức làm được điều trên.

Trước sự nghi ngờ của giới truyền thông quốc tế thì rõ ràng không có gì "đanh thép" hơn là trưng bày những mảnh vụn của tên lửa bị phòng không bắn hạ.

Trên các mảnh kim loại đều được khoanh một vòng tròn trắng, đánh dấu vị trí mà nó bị xuyên thủng, có thể bằng mảnh đạn tên lửa phòng không của Syria.

Tuy nhiên lập tức có ý kiến thắc mắc rằng Nga tuyên bố phòng không Syria bắn rơi tới 71 tên lửa hành trình nhưng có vẻ như số mảnh vụn được trưng bày tại đây ghép lại còn chưa đủ tới 1 quả.

Vấn đề tiếp theo đó là tại sao khi những quả tên lửa mang đầu đạn cực lớn này bị bắn rơi mà trên bầu trời hay dưới mặt đất lại không có ảnh thực địa.

Ngoài ra còn có nhận xét rằng những lỗ thủng đó chưa chắc đã do mảnh tên lửa phòng không gây ra mà có thể tạo dựng dễ dàng ở dưới mặt đất.

So sánh với một trường hợp khác đó là tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi bị hệ thống Patriot PAC 3 của Saudi Arabia đánh chặn thì rất dễ nhận ra sự khác biệt.

PAC 3 sử dụng phương thức diệt mục tiêu bằng động năng, chính vì vậy mà dấu vết nó tạo ra trên quả tên lửa sẽ phải lớn hơn các loại nổ phá mảnh như phòng không Syria đã dùng nhiều.

Bằng chứng mà Mỹ đưa ra để chứng minh tên lửa đạn đạo của Houthi do Iran cung cấp bị phòng không Saudi Arabia bắn hạ còn rất rõ hình hài của quả đạn.

Các chi tiết của quả đạn bị bắn rơi đều còn nguyên vẹn, chứng tỏ đầu đạn của quả tên lửa tấn công đã không phát nổ vì trúng mục tiêu, đây là dấu hiệu bị phòng không tiêu diệt rõ ràng nhất.

Trong khi đó các mảnh tên lửa mà Nga trưng bày đều nát vụn, cho thấy đầu đạn của nó đã phát nổ thì mới có thể xé toạc phần thân tên lửa đến vậy.

Chính vì thế mà đã có nhận định rằng thực chất các mảnh tên lửa mà Nga trưng bày được thu gom tại hiện trường đổ nát, tức là những quả đạn đó phát nổ vì đánh trúng mục tiêu chứ không phải bị bắn chặn.

Việc Nga mất tới 2 tuần lễ mới tổ chức họp báo cũng bị đánh giá là do họ cố gắng thu gom đủ số mảnh đạn từ hiện trường. Dĩ nhiên đây mới là nghi ngờ và sẽ cần có thêm tình tiết mới để có thể đưa ra cái nhìn rõ nét hơn.