Lý giải nguyên nhân xung đột ở Ukraine khó sớm chấm dứt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuyên bố thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao lớn nhằm giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine càng sớm càng tốt cũng như không để có thêm vũ khí sát thương được sử dụng, song các quốc gia châu Âu cùng với Mỹ lại đang chuyển ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng tới Ukraine.
Viện trợ quân sự vũ khí của Mỹ và phương Tây được chuyển tới Ukraine

Viện trợ quân sự vũ khí của Mỹ và phương Tây được chuyển tới Ukraine

Vũ khí hạng nặng liên tiếp tới Ukraine

Phát biểu với báo El Mundo hàng đầu của Tây Ban Nha ra ngày 13-4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố, EU không phải là bên khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng mà đang nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng này. Vị quan chức cấp cao của EU nói, liên minh này “không góp phần làm tình hình thêm căng thẳng”, hơn thế đang thực hiện “những nỗ lực ngoại giao lớn” nhằm giúp chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Không nói rõ “những nỗ lực ngoại giao lớn” là gì, nhưng ông Josep Borrell nhấn mạnh, EU đang cố gắng kiềm chế cuộc xung đột để không gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Đặc biệt, vị quan chức đứng đầu cơ quan về chính sách an ninh và đối ngoại của EU nêu rõ, không để có thêm vũ khí sát thương được sử dụng tại Ukraine.

Tuyên bố trên được Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU đưa ra khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn một tháng rưỡi với những tổn thất nặng nề về sinh mạng và vật chất cho cả hai bên. Cuộc xung đột này còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới khiến giá dầu mỏ, lương thực… leo thang, kéo theo đó là lạm phát cao trên khắp thế giới.

Sớm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vì thế đang là mong mỏi cấp bách hiện nay. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trên khắp thế giới đã có những kêu gọi, động thái nhằm “rút củi đáy nồi” cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy đàm phán nhằm sớm chấm dứt chiến sự, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.

Dư luận rất quan tâm, chú ý tới tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU. Thế nhưng, “những nỗ lực ngoại giao lớn” chưa thấy đâu mà chỉ thấy các quốc gia châu Âu là thành viên của liên minh quân sự NATO cùng Mỹ vận chuyển ngày càng nhiều trang thiết bị vũ khí tới Ukraine, đáng chú ý là ngày càng gia tăng những vũ khí mang tính sát thương cao.

Chỉ 2 ngày trước tuyên bố “không để có thêm vũ khí sát thương được sử dụng tại Ukraine”, EU đã tuyên bố sẽ hỗ trợ số vũ khí trị giá 543 triệu USD cho Ukraine trong vài ngày tới. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm bí mật tới Kiev ngày 9-4 vừa qua cũng cho biết, London sẽ cung cấp cho Ukraine 120 xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm mới, bên cạnh các thiết bị quân sự hiện đại khác trị giá khoảng 130 triệu USD gồm tên lửa phòng không Starstreak, 800 tên lửa chống tăng và nhiều vũ khí chính xác cao khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-4 tuyên bố, Washington sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD viện trợ quân sự cho Kiev dưới dạng vũ khí, đạn dược và hỗ trợ an ninh khác để “tăng cường hiệu quả chiến đấu”. Gói viện trợ quân sự mới nhất này của Mỹ cho Ukraine bao gồm “nhiều hệ thống vũ khí hiệu suất cao”, cụ thể là các hệ thống pháo, đạn pháo, xe bọc thép chở quân, máy bay trực thăng vũ trang…

Các cam kết gia tăng viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ và các quốc gia đồng minh ở châu Âu diễn ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước nhấn mạnh, nước này cần phương Tây hỗ trợ thêm máy bay chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa chống hạm phóng từ đất liền và các tổ hợp phòng không hạng nặng. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cảnh báo giai đoạn tiếp theo ở miền Đông Ukraine sẽ có “hàng nghìn xe tăng và khẩu đội pháo tham gia”.

Đàm phán bế tắc, khó có ngừng bắn

Cùng với viện trợ quân sự gia tăng nhanh và đều đặn từ phương Tây, Ukraine đang nhận được ngày càng nhiều vũ khí mang tính sát thương cao hơn. Cùng với tuyên bố viện trợ 300 máy bay chiến đấu không người lái Switchblade, Mỹ cũng đồng thời cung cấp thêm tên lửa chống tăng hiện đại Javelin cho Ukraine cùng 18 khẩu pháo 155 mm kèm theo 40.000 viên đạn và radar, 200 xe bọc thép chở quân.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn xem xét kế hoạch bán xe tăng M1 Abram cho các nước Đông Âu để thuyết phục họ chuyển giao xe tăng trong biên chế hiện nay của quân đội các nước này cho Ukraine. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Sullivan còn cho biết thêm, Lầu Năm Góc đang cân nhắc thêm gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm nhiều loại vũ khí hiện đại “chưa từng có tiền lệ” và sẽ có khả năng tạo tác động đáng kể với cục diện chiến trường miền Đông Ukraine.

Các loại vũ khí hạng nặng cũng đã bắt đầu được các quốc gia châu Âu gửi đến Ukraine. Trong đó, Cộng hòa Czech đã cung cấp cho Ukraine loại xe tăng T-72 và xe bọc thép BVP-1 lấy từ kho dự trữ của chính mình. Cùng lúc, Slovakia đã chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 để đổi lấy tên lửa Patriot của Mỹ.

Việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiến cuộc xung đột tại quốc gia này leo thang, kéo thêm các quốc gia khác ở châu Âu vào vòng xoáy. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn được TASS công bố ngày 13-4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhắc lại lập trường của nước này từ ngày mở “chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine” là tất cả các phương tiện của Mỹ và NATO chở vũ khí khi vào lãnh thổ Ukraine đều là “mục tiêu quân sự hợp pháp”.

Bộ Quốc phòng Nga đầu tuần này thông báo đã phá hủy 4 bệ phóng trong tổ hợp phòng không S-300 do “một quốc gia châu Âu chuyển giao cho Ukraine”. Nga không nói rõ đó là nước nào nhưng Slovakia đến nay là quốc gia châu Âu duy nhất xác nhận đã chuyển tổ hợp tên lửa S-300 cho Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 3 vừa qua đã cảnh báo rằng, không nước nào được chuyển tên lửa S-300 do Liên Xô trước đây sản xuất cho Ukraine bởi thỏa thuận và hợp đồng mua bán S-300 giữa các bên đều có quy định không chuyển giao loại vũ khí này cho bên thứ ba.

Trong khi xung đột tại Ukraine chưa lắng dịu và đang căng thẳng hơn ở miền Đông Ukraine, cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine lại đang rơi vào thế bế tắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13-4 cho rằng, “sự không nhất quán” của Ukraine trong các cuộc đàm phán đang cản trở tiến trình hướng tới thỏa thuận cuối cùng và hai bên “một lần nữa quay lại với tình trạng rơi vào ngõ cụt”.

Trước đó một ngày, Cố vấn Tổng thống Ukraine đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của nước này Mykhaylo Podolyak trong phát biểu ngày 12-4 cũng thừa nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nga nhằm chấm dứt xung đột là “vô cùng khó khăn” sau khi Matxcơva cáo buộc các nhà đàm phán Ukraine làm chậm các cuộc thảo luận bằng cách thay đổi các yêu cầu. Dù vậy, phía Ukraine khẳng định nước này không thay đổi lập trường trong đàm phán mà chỉ là “sự khác biệt duy nhất là phía Ukraine không tính đến tất cả các vấn đề bổ sung vốn không được đưa vào trong tuyên bố Istanbul”.

Những gì đang diễn ra cho thấy khả năng xung đột Nga - Ukraine khó có thể sớm chấm dứt. Trong phát biểu trước báo giới ngày 13-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine hiện nay khó khả thi.