Lưu ý khi trẻ chấn thương vùng đầu

ANTĐ - Trẻ em rất hiếu động và cũng có thể do tai nạn bất ngờ nên có trường hợp phải đưa vào viện cấp cứu vì chấn thương não. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ngã liên quan đến vùng đầu, có vài điểm quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Đội mũ bảo hiểm cũng có thể bị tổn thương não. Mũ bảo hiểm có vai trò rất quan trọng vì chúng ngăn ngừa khả năng rạn, vỡ xương sọ và giảm bớt tác động của ngoại lực. Tuy nhiên, chấn thương não cũng có thể xảy ra khi não trượt bên trong hộp sọ trong khi mũ bảo hiểm không thể can thiệp vào quá trình này.

Chấn thương bên trong không phải lúc nào cũng biểu hiện là bất tỉnh. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tổn thương não khiến trẻ bất tỉnh, nhưng thực tế 9 trong 10 ca không đúng như vậy. Một chuyên gia của Trung tâm Y tế trẻ em quốc gia ở Washington, Mỹ cho biết, triệu chứng nghiêm trọng để nghi ngờ chấn thương vùng đầu cũng bao gồm buồn ngủ quá nhiều, nôn mửa liên tục, co giật, hay ngày càng đau đầu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được đi kiểm tra sức khỏe khi đầu có cảm giác căng, lảo đảo và mờ mắt. Nếu không phát hiện sớm, sẽ không tạo điều kiện cho não phục hồi và chẳng may trẻ va chạm vào vùng đầu một lần nữa, nó có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Tĩnh dưỡng tinh thần rất quan trọng. Giả sử đứa trẻ không gặp nguy hiểm ngay lập tức (vì cần có thời gian để theo dõi), giải pháp tốt nhất là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Việc phục hồi sau chấn động này có thể mất nhiều ngày hoặc vài tháng, trẻ sẽ bị cách ly với những môn thể thao hoặc trò chơi chứa nhiều rủi ro như đi xe đạp hay trượt ván nhưng quan trọng không kém là tĩnh dưỡng tinh thần. Giảm việc suy nghĩ và tập trung khi chấn động vùng đầu cũng tương tự như giúp cho ca bong gân nhanh khỏi bằng cách hạn chế vận động. Với trẻ bị ngã đập đầu, cho trẻ nghỉ học một ngày và theo dõi các triệu chứng, và nếu có vấn đề về nói chuyện, đọc sách hay làm bài tập, trẻ cần thêm thời gian để hồi phục.