Lượng vũ khí khổng lồ từ phương Tây đang đổ dồn về Ukraine

ANTD.VN -  Theo hãng tin Reuters, Đức ngày 26/2 cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine. Hàng loạt quốc gia NATO khác cũng đã quyết định cung cấp tới tấp vũ khí cho Kiev, trong bối cảnh cuộc giao tranh với Nga diễn ra khốc liệt.
Sau khi cương quyết từ chối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vì e ngại căng thẳng với Nga, đến nay Đức đã bất ngờ đổi ý, sau ngày thứ 3 Moscow tổ chức tấn công vào Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ: "Việc Nga tấn công Ukraine đánh dấu một bước ngoặt. Chúng tôi có nhiệm vụ cố gắng hết sức để hỗ trợ Ukraine tự bảo vệ mình".
Được biết Đức đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của nước này.
Ngoài trực tiếp cung cấp vũ khí, chính phủ Đức cũng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới vùng chiến sự để cho phép Hà Lan gửi 400 súng phóng lựu cho Ukraine. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách của quốc gia này.
Một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Đức trước đây từng cung cấp vũ khí chống tăng cho khách hàng, nhưng họ muốn cung cấp hay bán cho ai thì phải xin phép Berlin trước.
Ukraine đã yêu cầu được cung cấp tên lửa chống tăng và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay của quân đội Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ số vũ khí trị giá 350 triệu USD từ kho của nước này cho Ukraine, thông qua Đạo luật Hỗ trợ nước ngoài, nhằm giúp Kiev chống lại chiến dịch quân sự của Moscow.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố lần chuyển vũ khí thứ ba này cho Ukraine là "chưa từng có tiền lệ". Mỹ từng rút vũ khí từ kho của mình để hỗ trợ Ukraine vào mùa thu năm ngoái và sau đó một lần nữa vào tháng 12/2021.
Ngoại trưởng Blinken cho hay trong năm qua, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn một tỷ USD cho Ukraine.
Bỉ cũng sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine 2.000 súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu, theo Thủ tướng Alexander De Croo. Brussels đang xem xét các yêu cầu hỗ trợ khác từ Kiev.

Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ cung cấp 200 tên lửa phòng không Stinger. "Bộ Quốc phòng đặt mục tiêu giao những vũ khí này càng nhanh càng tốt", chính phủ Hà Lan viết trong thư gửi quốc hội ngày 26/2.

Chính phủ Czech cũng phê chuẩn gửi vũ khí và đạn dược trị giá 8,57 triệu USD giúp Ukraine tự vệ trước cuộc tấn công của Nga.

Bộ Quốc phòng cho hay lô hàng, gồm súng máy, súng trường tấn công và các loại vũ khí hạng nhẹ khác, sẽ được phía Czech chuyển đến một địa điểm do Ukraine chọn.

Một phát ngôn viên của quân đội Pháp cho hay nước này đã quyết định gửi các thiết bị quân sự phòng thủ đến Ukraine nhằm giúp Kiev chống cuộc tấn công của Moskva. Ông nói thêm rằng phương án gửi vũ khí tấn công đang tiếp tục được xem xét.

Slovakia cũng gửi đạn pháo và nhiên liệu trị giá 12,39 triệu USD cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad ngày 26/2 thông báo.

Lô hàng gồm 12.000 viên đạn pháo cỡ nòng 120 mm, 10 triệu lít nhiên liệu diesel và 2,4 triệu lít nhiên liệu máy bay.

Tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng trong ngày thứ ba của cuộc chiến. Điểm nóng hiện nay là thủ đô Kiev.

Quân Nga được cho là tiến công trên nhiều hướng vào thành phố và đã chiếm được sân bay Hostomel, ngoại ô Kiev

Tuy vậy, đà tiến công của quân Nga dường như đã chậm lại do khó khăn hậu cần và “sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine”, theo Bộ Quốc phòng Anh
“Chúng ta đã đứng vững và đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của đối thủ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu ngày 26/2.
“Chiến sự đang tiếp diễn ở nhiều thành phố và quận huyện của đất nước chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng bản thân đang bảo vệ đất nước, bảo vệ tương lai con em mình”, ông Zelensky khích lệ.
Ngoài Kiev, quân Nga còn tổ chức tấn công ở cả miền Đông và miền Nam Ukraine, với tâm điểm là hai thành phố Kharkiv (miền Đông) và Kherson (miền Nam). Thành phố hơn 100.000 dân Melitopol thuộc tỉnh Zaporizhzhia cũng đã rơi vào tay quân Nga.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ mở rộng tiến công từ “mọi hướng sau khi phía Ukraine từ chối đàm phán, hôm nay, tất cả đơn vị được ra lệnh mở rộng tiến công từ mọi hướng theo kế hoạch tác chiến", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói hôm 26/2.

Cuộc xung đột đã khiến hơn 100.000 người Ukraine rời đất nước tới các nước láng giềng. Chỉ tính riêng Ba Lan đã đón hơn 100.000 người, tính từ khi chiến sự nổ ra hôm 24/2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho biết Moskva "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine".

Sau ba ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine từ phía bắc và phía đông, nơi giao tranh đang diễn ra dữ dội.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ Nga.

“Những gì đang diễn ra là một giải pháp bắt buộc. Nga không còn lựa chọn nào khác. Những rủi ro an ninh đã đẩy chúng ta vào tình thế không còn cách ứng phó nào khác. Nga phải làm vậy, vì những rủi ro thật sự nghiêm trọng với sự tồn tại của đất nước”, ông Putin cho biết.