Lượng tài khoản mở mới kỷ lục nhưng thanh khoản lại giảm, tiền đang rút khỏi thị trường chứng khoán?

ANTD.VN - Diễn biến thị trường đi ngang cộng với thanh khoản ở mức thấp so với trước đó khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu dòng tiền đã bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán?

Tài khoản tăng nhưng giao dịch giảm

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trong tháng 1, lũy kế tới cuối tháng 1/2022, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đạt hơn 4,5 triệu tài khoản, tương đương khoảng 4,6% dân số. Trong đó, chỉ riêng năm 2021, lượng tài khoản mở mới đạt 1,53 triệu, chiếm hơn 1/3 con số này. Đặng biệt trong 3 tháng trở lại đây, lượng tài khoản mở mới liên tục ở mức trên dưới 200.000 tài khoản/tháng.

Tuy nhiên, trái ngược với lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng mạnh thì thanh khoản thị trường trong vài tháng trở lại đây lại ở mức tương đối thấp. Trong khi năm 2021, thị trường chứng kiến những phiên mà giá trị giao dịch lên tới trên 50.000 tỷ đồng thì từ đầu năm, con số này thường xuyên dao động mức trên dưới 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường (CFA), điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng của nhà đầu tư mới.

Ông phân tích, năm 2021 dư nợ vay margin của các công ty chứng khoán tăng rất mạnh trong 3 quý cuối năm 2021 nhưng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước lại gần như đi ngang.

Đơn cử như quý 4, tổng giá trị margin tăng lên khoảng 31.000 tỷ, trong khi giá trị mua ròng chỉ 400 tỷ đồng. Vậy dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đi đâu?

Vấn đề thứ hai, theo vị chuyên gia, số dư tiền gửi của mỗi nhà đầu tư mới trên mỗi tài khoản tăng thêm chỉ khoảng vài triệu đồng. Số dư cho vay trên mỗi tài khoản mới giảm từ 70 triệu đồng quý 2/2021 xuống khoảng 54 triệu đồng của quý 4. “Chất lượng đi xuống; giá trị mua ròng cũng giảm, do đó cho thấy tài khoản mở mới vẫn chưa thu hút được dòng tiền vào thị trường” – ông nói.

Tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục nhưng thanh khoản thị trường lại giảm

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS) lại cho rằng việc thanh khoản kém hơn không có nghĩa là dòng tiền rút ra khỏi thị trường.

“Thống kê đến cuối tháng 1/2022, số dư tiền gửi/tài khoản ở các công ty chứng khoán đạt gần 90.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư chờ vào thị trường rất lớn” – ông nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc điều hành Chứng khoán AIS cho biết, năm 2021 có thời điểm thanh khoản thị trường tăng lên đáng kể và đến từ nhiều nguồn tiền tại các doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn. Sang năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế bắt đầu khối phục trở lại thì dòng tiền của doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Điều này trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến một phần dòng tiền tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn thì dòng tiền đó sẽ giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn vốn, đẩy mạnh vào hoạt động kinh doanh tốt hơn, từ đó tạo ra hàng hóa chất lượng hơn trên thị trường chứng khoán.

Dòng tiền có trở lại?

Theo ông Trần Minh Tuấn, hiện số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán đạt kỷ lục và các công ty chứng khoán đều dự kiến tăng vốn và có thể đạt mục tiêu đề ra vào giữa năm 2022. Khi tăng vốn thành công, lượng tiền từ tăng vốn sẽ là nguồn cung cấp margin mạnh cho thị trường.

Cùng với đó, năm 2022, khi nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ giúp khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn hơn, tỷ lệ sinh lời cao hơn, dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư sẽ tích cực hơn để tham gia vào thị trường. Do đó, ông Tuấn dự báo dòng tiền giải ngân cho thị trường vào cuối quý II sẽ bắt đầu lớn lên nhiều. Dự kiến, VN-Index trong năm 2022 có thể tăng 20% và lên đến 1.800 điểm.

Cũng dự báo thanh khoản thị trường tích cực trở lại, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho rằng:

Thứ nhất tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự báo khoảng trên 20%. "Đây là yếu tố rất tích cực trên nền lợi nhuận cao năm 2021. Tôi cho rằng thị trường cổ phiếu niêm yết vẫn là kênh đầu tư vẫn hấp dẫn trong năm 2022"- bà nói.

Thứ 2 là động thái huy động vốn gần đây của các công ty chứng khoán. Nhiều công ty chứng khoán có kế hoạch đi vay hoặc đẩy mạnh phát hành tăng vốn vì họ kỳ vọng vào thanh khoản thị trường.

Thứ 3 là khả năng đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của HOSE.

Thứ tư, bà Vân cho biết FiinGroup đã thực hiện 1 khảo sát nhỏ đối với một số công ty chứng khoán lớn ở Việt Nam, thì thấy rằng họ đang xây dựng 1 kế hoạch kinh doanh dựa trên một dự báo thanh khoản thị trường đạt trung bình 30.000 tỷ động/phiên trong năm nay, tức là tăng khoảng gần 23% so với 2021.

"Dựa trên những yếu tố này tôi cho rằng thanh khoản thị trường trong năm 2021 vẫn sẽ tăng. Tuy nhiên để đạt được mức tăng như năm 2021 sẽ rất khó" - bà Vân cho biết.