- Đề xuất mới về trợ cấp hưu trí xã hội, cần quy định rõ điều kiện hưởng
- Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động vẫn băn khoăn tuổi nghỉ hưu
Cả nước hiện có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chế độ hưu trí trong chính sách bảo hiểm xã hội đang được thiết kế có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm đời sống người nghỉ chế độ.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Những năm gần đây, dù kinh tế - xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng với mức chung là 7,4% từ ngày 1-1-2022.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, giúp họ bảo đảm đời sống lúc tuổi già. Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Thời gian tăng bắt đầu từ ngày 1-7-2023. Nếu đề xuất này được thông qua, lương hưu sẽ điều chỉnh tăng 23 lần trong 28 năm (1995-2023), trung bình hơn một năm điều chỉnh tăng lương hưu một lần.
Trước những lợi ích thiết thân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động không nên tự từ bỏ lưới an sinh cho tuổi già bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần khi còn ở độ tuổi lao động.
Bởi vì, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn nhiều so với hưởng lương hưu. Đó là, người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già.
Người lao động mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe khi tuổi cao, sức khỏe suy giảm.
Bên cạnh đó, số tiền người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần luôn ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vì theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (người lao động đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14%).
Tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, trong khi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước thời điểm năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Đối với những không tham gia bảo hiểm xã hội khi ở độ tuổi lao động, nếu tự bản thân mỗi người không đủ khả năng tích lũy cho tuổi già, thì những năm tháng tuổi già của họ phải sống trong cảnh “2 không” (không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội).
Trong khi đó, cả nước có khoảng 12 triệu người từ 60 tuổi trở lên, nhưng số người nhận về các khoản tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hiện chưa nhiều. Đây là con số đáng suy ngẫm trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh ở nước ta.