Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin việc chuyển một số đơn vị Bộ LĐ-TB&XH về Bộ Nội vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định tất cả công việc của ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục được triển khai.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết của ngành LĐ-TB&XH năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Hội nghị nhìn lại toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024, đồng thời ôn lại cả lịch sử 80 năm hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH. Nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ cũng có mặt tại hội nghị hôm nay, để cùng chứng kiến sự thay đổi, lớn mạnh của ngành suốt 80 năm qua.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2024, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những thành tựu nổi bật là việc tham mưu xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỷ lệ thông qua đạt 93,42%, bao gồm 14 nội dung lớn mang tính cải cách.

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, thị trường lao động đã được chú trọng điều hành theo định hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Việc kết nối cung cầu lao động được tăng cường, giúp người lao động tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, sự kiện hôm nay của ngành LĐ-TB&XH mang rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Theo Phó Thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc việt Nam. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh”.

Ngành LĐ-TB&XH cũng hết sức cố gắng trong việc xây dựng thị trường và quan hệ lao động hài hòa, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Xây dựng được chính sách tiền lương tối thiểu là phần việc mang ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của thị trường lao động Việt Nam.

Những kết quả đạt được hiện nay là cả một quá trình mà những con số kết quả của năm 2024 chỉ thể hiện được một phần. Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của ngành trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Bộ LĐ-TB&XH.

Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh có 3 sự kiện phải làm cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.

Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.

"Với tinh thần như vậy, đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Đáp lại những chia sẻ của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của ngành có bề dày lịch sử, ý nghĩa với tiến trình xây dựng đất nước.

Những công việc mà ngành đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế. Những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”.

Thông tin về hướng sắp xếp, chuyển giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị tinh thần một cách nghiêm túc, rõ ràng, chặt chẽ. Đến nay, tất cả đề án, những nội dung liên quan đến việc hợp nhất đã đảm bảo.

Nói thêm về hướng triển khai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 13 trường cao đẳng, 3 trường Đại học sư phạm sẽ chuyển giao sang Bộ GD-ĐT; chức năng giảm nghèo chuyển về Ủy ban dân tộc; 3 Cục Bảo trợ xã hội, Trẻ em, Phòng chống tệ nạn xã hội và 7 đơn vị sự nghiệp khối ngành y bao gồm 4 Bệnh viện và các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ chuyển sang Bộ Y tế; còn lại 35 đầu mối sẽ hợp nhất với Bộ Nội vụ.

Lấy dẫn chứng từ bản thân từng trải qua các đợt tách tỉnh Hà Nam Ninh thành Ninh Bình và Nam Hà, Bộ trưởng Đào Ngọc dung thừa nhận, có nhiều tâm trạng, suy nghĩ.

Vừa qua, bản thân ông ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau, nhưng với tư cách là đảng viên và lãnh đạo các đơn vị thì phải lắng nghe và chấp hành.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành LĐ-TB&XH luôn ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình, gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay đó là cả dòng chảy.

Do đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục