‘‘Luồng gió mới” ở Triều Tiên

ANTĐ - Lần đầu tiên ở CHDCND Triều Tiên, chiếc bánh pizza xuất hiện, quần tây, giày cao gót, khuyên tai cho phụ nữ, chuột Mickey và gấu Pooh đã xuất hiện trên sân khấu Triều Tiên trong một buổi biểu diễn. Trước đó, đã có một loạt quyết định gây bất ngờ như cho phép phụ nữ mặc váy và dân chúng được sử dụng điện thoại di động. Đó thực sự là một luồng gió mới thổi vào đất nước CHDCND Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un.

Hoàn tất chuyển giao quyền lực

Hồi tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố bãi nhiệm tất cả các vị trí của Tham mưu trưởng - Phó Nguyên soái Ri Yong-ho vì "vì lý do sức khỏe” đã làm dấy lên những đồn đoán về một cuộc đấu tranh quyền lực quân sự hay những nỗ lực của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm tiến sang giai đoạn đổi mới. Ông Ri Yong-ho nảy sinh bất mãn khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tìm cách chuyển sự kiểm soát nền kinh tế từ quân đội sang Chính phủ và đã chỉ trích chính sách mở cửa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) của Hàn Quốc đánh giá rằng sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3 ở Triều Tiên đã hoàn tất với việc ông Kim Jong-un nắm giữ các vị trí lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên, Chính phủ và quân đội sau khi được phong chức Nguyên soái quân đội Triều Tiên. Còn hãng tin Reuters khẳng định, lãnh đạo tối cao nước này Kim Jong-un đã quyết định lấy lại quyền kiểm soát kinh tế của quân đội và sắp thử nghiệm những cải cách quan trọng. 

Triều Tiên sẵn sàng thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế dựa theo những chỉ thị của nhà lãnh đạo 

Kim Jong-un. Theo đó, các biện pháp này dự kiến sẽ được thực thi từ 1-9 nhưng cũng có thể được thực hiện dần dần theo từng giai đoạn từ ngày 1-8 tới để đổi mới các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, thị trường và đầu tư nước ngoài, ngân hàng. Chính quyền Triều Tiên đã thành lập một ủy ban đặc biệt có tên “Cục chính trị” để nắm quyền điều hành nền kinh tế từ quân đội, cứu nền kinh tế vốn vô cùng trì trệ của nước này khỏi sụp đổ. 

Lĩnh vực đầu tiên sẽ được cải cách là nông nghiệp. Trong Đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thành lập “nhóm đổi mới kinh tế” để điều hành cải cách kinh tế và nông nghiệp. 

Mong muốn đại tu nền kinh tế của Kim Jong-un còn được thể hiện trong việc đưa tin của tờ Rodong Sinmum - Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, khi mà số lượng bài viết về kinh tế tăng lên đáng kể. Người ta phỏng đoán rằng lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm tiết lộ kế hoạch cải cách kinh tế toàn diện so với kế hoạch năm 2002 với đặc điểm nổi bật là quyền tự quản mở rộng hơn trong điều hành doanh nghiệp và đưa vào một số yếu tố thị trường. 

Nhà lãnh đạo thân thiện, hiện đại

Trong một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng cởi mở và cải cách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Đài Truyền hình Triều Tiên hôm 25-7 xác nhận người phụ nữ ăn mặc hết sức thanh lịch, trang điểm nhẹ nhàng và luôn nở nụ cười hiền hậu khi xuất hiện công khai bên cạnh ông tại những sự kiện gần đây là người vợ Ri Sol-ju. Đây là một diễn biến “gây sốc” ở Bình Nhưỡng vì các đệ nhất phu nhân trước đó thường không xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện lớn của đất nước. Việc đưa tin về phu nhân của lãnh đạo Triều Tiên là động thái rất khác so với thời của cha ông Kim Jong-un, cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Bản tin trên không cung cấp thêm chi tiết về tân đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju. Nhưng theo tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc)  cho biết Ri Sol-ju sinh năm 1989,  tốt nghiệp Đại học Kim Nhật Thành, là người tỉnh Bắc Hamkyong, Đông Bắc Triều Tiên. Cha cô là một viện sỹ và mẹ cô là bác sỹ. 

Hãng tin AP nhận định việc Triều Tiên tiết lộ thông tin về đệ nhất phu nhân là nỗ lực nhằm cho thấy ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo thân thiện và hiện đại. Không những thế, giới phân tích cho rằng động thái này còn nhằm phát đi thông điệp nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chín chắn và ổn định dù vẫn còn trẻ (sinh tháng 1-1984) và chỉ mới lên nắm quyền được 7 tháng. Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện trước công chúng với người vợ duyên dáng bên cạnh và tham dự buổi hòa nhạc có sự xuất hiện của các nhân vật hoạt hình Disney và cũng không thấy vấn đề gì với những nữ nhạc công mặc váy ngắn thể hiện ca khúc “My way” nổi tiếng của cố nghệ sĩ Mỹ Frank Sinatra. Truyền hình Triều Tiên tháng trước đã trình chiếu hình ảnh lãnh đạo Kim đội mũ rơm, tươi cười đi thăm Công viên giải trí Mangyongdae.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khởi xướng hàng loạt những thay đổi về chính sách cho phép người dân được tự do hơn và được giải trí trong cuộc sống hàng ngày. Một thay đổi chính sách khác mà nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un thúc đẩy, được lòng dân chúng đó là dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ mặc quần ở nơi công cộng, đi giày bệt, đeo hoa tai, ăn khoai tây chiên kiểu Pháp và Hamburger - những thứ trước đây bị cấm. 

Các cô gái Triều Tiên bỗng dưng xuất hiện trong trang phục váy ngắn, đàn ông được dùng keo xịt tóc như tài tử xứ Hàn và thời gian mở chợ được điều chỉnh linh hoạt hơn... phải chăng đây là dấu hiệu của những thay đổi từ vị lãnh đạo 

Kim Jong-un? Tờ báo Spiegel của Đức đã nêu câu hỏi và có nhận xét khá hấp dẫn về những cải cách trông thấy kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền rằng Kim Jong-un đã thẳng thắn thừa nhận sự kiện bắn tên lửa thất bại hồi tháng 4, thu hút sự chú ý của cả thế giới với phát biểu lần đầu tiên trước công chúng kéo dài 20 phút. Không những thế, trong chuyến thăm các doanh trại và nhà máy, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cởi áo khoác vào những ngày ấm áp, thậm chí để những nhân viên nhà máy ôm hôn mình. Tờ báo này cho rằng sau 6 tháng trở thành "Nhà lãnh đạo vĩ đại", Kim Jong-un đang thể hiện một phong cách điều hành đất nước khác với người cha quá cố.

 Bình Nhưỡng “thay da đổi thịt”

Điện thoại di động giờ đang trở thành thứ thiết bị phổ biến (có khoảng 1 triệu chiếc). Các tòa nhà và cửa hàng mới mọc lên ở khắp mọi nơi, một số cửa hàng thậm chí còn có rất nhiều hàng hóa xa xỉ. Buổi tối, nhiều khu vực của Bình Nhưỡng rực sáng tương phản hẳn với bóng đêm đen kịt. Pothongang Ryugyong là trung tâm thương mại cao cấp đầu tiên tại Triều Tiên và mới được mở cuối năm 2011. Tại đây, các mặt hàng nhập khẩu từ thức ăn, quần áo đến đồ điện tử và nội thất được bày chật kín. Khách hàng đến đây cũng có thể thanh toán bằng ngoại tệ. Hai nhà hàng Italy do người nước ngoài làm chủ vừa được mở ra tại Bình Nhưỡng. Họ bán pizza, mỳ Ý, rượu và cả Coca Cola nhập từ Italia nữa.

Trong khoảng thời gian 2008 - 2010, Triều Tiên nhập rất nhiều hàng cao cấp như ô tô, thuốc lá, TV màn hình phẳng, camera kỹ thuật số hay các thiết bị điện tử. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng gần gấp đôi từ 272 triệu USD lên 446 triệu USD trong giai đoạn trên. Theo những nhân viên nước ngoài làm việc tại Triều Tiên, gần đây, thậm chí số ô tô đi lại trên đường còn đông đúc và náo nhiệt hơn trước. Dù đa phần người dân nước này vẫn dùng xe cũ, nhưng những chiếc Mercedes, BMW, Lexus, Toyota và Land Rover mới coóng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Số lượng ôtô tăng lên khiến những vụ tắc đường nhỏ bắt đầu xuất hiện, điều vốn hiếm có vài năm trước.

 Chính quyền cũng cho phép người dân sở hữu máy tính cá nhân, mặc dù phải đăng ký với nhà chức trách và sẽ được kiểm tra ổ cứng bất cứ khi nào. Theo báo chí phương Tây, có một thứ mà người Triều Tiên vẫn chưa được tiếp cận: đó là internet. Thậm chí ở các trường đại học và các viện nghiên cứu cũng chỉ sử dụng những mạng lưới riêng và chỉ được truy cập các trang web nước ngoài trong những trường hợp ngoại lệ.