Luật Thủ đô (sửa đổi): Được phép xây dựng mới công trình, nhà ở ngoài bãi sông với tỷ lệ thích hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng: trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Chiều 11-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương, 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ 7.

Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo UBTVQH cho ý kiến 5 nội dung lớn. Trong đó, về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều.

Đặc biệt, trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều.

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng cho phép mở rộng các công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn thành phố Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan trung ương cũng có thể áp dụng cơ chế nhượng quyền khai thác, quản lý như đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Dự luật giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND Thành phố quy định.

“Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì thành phố sẽ chủ động thực hiện mà không quy định thành thủ tục bắt buộc trong Luật, các cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thêm.

Đại diện đoàn ĐBQH TP Hà Nội dự phiên họp

Đại diện đoàn ĐBQH TP Hà Nội dự phiên họp

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, trong quá trình thảo luận, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc giao HĐND TP được quyền quyết định cho miễn áp dụng quy định của pháp luật; làm rõ việc được miễn trách nhiệm của các bên liên quan.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng: “Nếu không có các quy định về loại trừ, miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan thì không thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện các nội dung được thử nghiệm thì cũng cần được áp dụng các quy định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cần có hành lang pháp lý phù hợp để họ yên tâm, chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các cơ chế quản lý có tính chất đổi mới, sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho xã hội”.

Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý lại theo hướng quy định về việc loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát, giám sát, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung…