Luật Nhà giáo là bộ luật khó, có tác động rộng lớn, cần lấy ý kiến rộng rãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với tờ trình của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và lưu ý đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội cần chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia...
Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo

Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo

Ngày 29/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét tờ trình của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với tờ trình của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của luật.

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT rằng đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, do vậy Bộ GD- ĐT cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; cần chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.

Bộ GD-ĐT khẩn trương tiến hành công việc, đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3/2024, trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.