- Người phụ nữ suýt mất 3,9 tỷ đồng vì cuộc điện thoại lạ
- Chống lừa đảo, EVNHANOI sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi
|
Đề nghị chuyển tiền người dùng ví điện tử MoMo nhận được |
Lừa chuyển tiền vào tài khoản khác trên ví điện tử
Chị Thanh Huyền (Hà Đông- Hà Nội) cho biết, sử dụng ví điện tử MoMo từ những ngày đầu ví mới ra mắt, nhưng gần đây, chị Huyền liên tục nhận được đề nghị chuyển tiền từ người lạ.
Cụ thể, liên tiếp trong vài ngày, người dùng này nhận được yêu cầu chuyển tiền của tài khoản có tên là Quỳnh Hoa, Hải Đường, kèm theo hình ảnh và link dẫn tới một trò chơi có thưởng mang tên TOPONE. Nếu chị Huyền nạp thẻ sẽ có cơ hội đổi thưởng với giá trị gấp nhiều lần.
“Để cảnh báo người dùng, ngay trên thông báo tin nhắn mới từ người đề nghị chuyển tiền, ví MoMo có dòng cảnh báo: “Tài khoản này chưa được MoMo xác thực. Bạn hãy cẩn trọng khi chuyển tiền cho người này nha”. Dù vậy, tôi cũng thấy như vậy rất phiền phức vì nếu không cẩn thận người dùng ấn vào link, thậm chí cả trẻ con ngịch máy điện thoại ấn đồng ý chuyển tiền thì hậu quả không biết thế nào. Đơn vị cung cấp ví điện tử phải có giải pháp để ngăn chặn các hành vi này thay vì chỉ cảnh báo”- chị Huyền nói.
Tương tự, một số người dùng ví MoMo khác cũng phản ánh họ liên tục nhận được yêu cầu chuyển tiền của tài khoản mang tên Nguyễn Văn Dương. Theo gợi ý này, người dùng chuyển cho đối tượng lừa đảo 1.000 đồng sẽ được tặng code 20.000 đồng. Đối tượng lừa đảo cũng gửi kèm link để người dùng kích vào.
Điểm chung của những yêu cầu chuyển tiền này là thông báo hiện lên ngay trên trang chủ của ứng dụng, ở vị trí rất dễ nhìn. Các bước để chuyển tiền được tạo ra cũng rất ngắn gọn và nhanh chóng. Người dùng chỉ “nhỡ tay” ấn vào là mất tiền.
Để sử dụng ví điện tử, người dùng có thể chuyển tiền từ khoản ngân hàng vào ví, cũng có thể liên thông ngay số tài khoản ngân hàng để ví tự động trừ. Do đó, với những chiêu thức lừa đảo trên, ví điện tử không có tính năng bảo vệ khách hàng tốt có thể khiến tài khoản ngân hàng của khách hàng “mất sạch sẽ” trong một phút. Người dùng cần thận trọng khi mở ví và xem các yêu cầu, thông báo.
Cuộc gọi lừa đảo gia tăng
Hốt hoảng vì bỗng dưng nhận được cuộc gọi có nội dung thông báo đã đi test Covid-19 và bỏ trốn khi bị phát hiện là F0, chủ thuê bao 0913.xxxxx8 kể lại: “Tôi đang làm việc tại cơ quan thì nhận được cuộc gọi báo tôi đã đến test Covid-19 tại Trung tâm y tế quận Thanh Xuân, ngõ 282 Nguyễn Trãi. Họ nói tôi bỏ trốn khi biết là F0 và cần liên hệ ngay với cơ quan công an, trước hết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và đề nghị chuyển tiền phạt.
Dù đã biết đến thủ đoạn này nhưng chắc ai cũng khó tưởng tượng cả ngõ 282 Nguyễn Trãi rất nổi tiếng vì nhiều ca bệnh Covid-19 trong thời gian vừa rồi. Thông tin như thật vậy khiến người dùng nào cũng hoang mang”.
Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, chủ thuê bao này không đáp ứng yêu cầu của đối phương, cúp máy. Đầu số gọi đến là +88. Qua tìm hiểu, người dùng được biết đây là cuộc gọi từ vệ tinh mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng, không phải là đầu số của Việt Nam (+84).
Tương tự, các cuộc gọi thông báo vi phạm giao thông, đề nghị người dùng điện thoại nộp phạt vẫn tái diễn. Không ít người dùng đã “sập bẫy” của kẻ lừa đảo. Thậm chí có người mất tiền tỷ vì không kiểm tra kỹ thông tin.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) đã cảnh báo người tiêu dùng về các cuộc gọi lừa đảo, các hình thức lừa đảo lợi dụng dịch bệnh có xu hướng gia tăng, người dùng cần thận trọng. Bên cạnh đó, các mạng viễn thông cũng có biện pháp kỹ thuật để chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, nhưng có “muôn hình vạn trạng” hình thức lừa đảo phát sinh nên người dùng cần cảnh giác.
Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền của bất cứ người lạ nào, cần bình tĩnh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi làm theo để tránh rủi ro.