“Lời nói phải đặt trong ngữ cảnh”

ANTĐ - Ngày 31-10,  Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện về việc xem xét, làm rõ nội dung phát ngôn trên báo chí và trách nhiệm trước cử tri của ĐBQH Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. 

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Đương đã phát ngôn: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, ông Đỗ Văn Đương đã quy chụp một cách thiếu căn cứ. Sáng 1-11, bên hành lang Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Đương cho biết, ông phát biểu câu trên là xuất phát từ thực tế và sẽ không đính chính nhận định đã nói cũng như không thay đổi quan điểm về phát ngôn của mình.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 1-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Tôi chưa nhận được văn bản của Liên đoàn Luật sư, nhưng quan điểm luật sư chỉ bảo vệ người có tiền là không đúng bởi tôn chỉ, mục đích của luật sư đã được ghi rõ trong Luật Luật sư, đó là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ lẽ phải... Trong điều kiện thực tế của Việt Nam, có một bộ phận người dân không có tiền để thuê luật sư bào chữa cho mình, trong khi những người có tiền có thể thuê được luật sư giỏi bào chữa cho mình. Tuy nhiên, Luật Luật sư đã quy định rõ, luật sư phải tham gia bào chữa theo chỉ định và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. ĐBQH có quyền nói lên tiếng nói của mình nhưng cũng cần có trách nhiệm với lời nói của mình, với dư luận xã hội. Đó phải là tiếng nói về lợi ích của người dân”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Việc phán quyết đúng sai phải xem lại động cơ như thế nào, mỗi câu nói cần phải đặt trong ngữ cảnh, đừng tách vấn đề ra khỏi bối cảnh của nó thì đánh giá mới khách quan”.