Lời kể kinh hoàng của người sống sót sau vụ đắm tàu

ANTĐ -“Chết hết cả rồi, cả 8 người đều chết, xác họ chìm xuống biển rồi. Em trai tôi cũng vậy, chính mắt tôi nhìn thấy họ và cả em trai tôi chết và buông tay rơi xuống biển”, đó là câu nói đầu tiên của anh Lai khi gặp lại người thân.

Ám ảnh hơn 60 giờ lênh đênh trên biển

Sau khi may mắn được thuyền đánh cá ở Quảng Bình cứu sống vào ngày 29-11, đến chiều 30-11 anh Hồ Vĩnh Lai và anh Nguyễn Văn Hà đã được đưa về quê nhà. Niềm vui đoàn tụ trong vòng tay người thân vẫn chưa thể giúp hai anh quên đi nỗi ám ảnh về cơn hoạn nạn vừa qua.

Vừa trở về từ biển khơi, nơi mà con tàu NA 90249 xấu số bị sóng đánh chìm cùng 10 ngư dân khi đang đánh bắt cá. Có lẽ sự sợ hãi vẫn còn ám ảnh anh Hồ Vĩnh Lai. Niềm vui khi được đoàn tụ cùng gia đình khiến anh Lai rơi nước mắt. Câu đầu tiên anh hét lên khi thấy người thân: “Họ chết hết rồi, chết cả 8 người, chính mắt tôi nhìn thấy họ buông tay chìm xuống trong dòng nước biển lạnh ngắt. Em trai tôi cũng vậy, nó chết rồi”.

Anh Lai vừa dứt lời thì chị Mai Thị Phương (SN 1985) vợ anh Hồ Vĩnh Thế (SN 1983) em trai anh Lai ngã khuỵu. Suốt 3 ngày nay, từ khi hay tin chiếc tàu nơi chồng đang tham gia đình bắt cá gặp nạn dù lo lắng, nhưng chị Phương vẫn hi vọng anh Thế sẽ sống sót trở về. Tuy nhiên, trong giờ phút này đây, khi anh chồng trở về từ biển cả và chính thức thông báo như vậy có nghĩa chồng chị không còn hi vọng sống nữa rồi.

Hai đứa con của anh Thế trước bàn thờ mới lập của bố

Theo phong tục tại địa phương, anh Lai nhanh chóng tiến hành làm lễ tại nhà thờ. Tan lễ trở về cùng là lúc lễ phát tang chính thức của anh Thế bắt đầu. Bần thần ngồi bó gối nhìn ra biển khơi, anh Lai chia sẻ: “Vào lúc 4h sáng ngày 28-11, khi đó anh em chúng tôi đang đánh bắt cá thì không may một bên sào lưới bị gãy. Ngay sau đó, nước tràn vào khoang thuyền, tất cả anh em đều hoảng sợ và cố gắng múc nước ra khỏi khoang, cũng như tiến hành kêu cứu qua điện đàm.

Tín hiệu kêu cứu được một số tàu nhận được nhưng do khoảng cách ở rất xa nên không thể đến ứng cứu. Đến 5h sáng, tàu bắt đầu chìm, ban đầu tàu chìm phần đuôi trước. Thấy vậy, cả 10 anh em nhanh chóng bám vào tấm xốp rộng 2m2, cao 1m. Trên tàu lúc đó chỉ có 2 chiếc áo phao nên khi lênh đênh trên biển chúng tôi thay nhau mỗi người mặc áo phao một lúc cho ấm”.

Tấm xốp cứ trôi dập dềnh giữa biển lớn bao la mang theo 10 mạng người đang trông chờ tàu đánh cá đi ngang để được cứu. Thế nhưng, chỉ 4 tiếng sau Khiêm đã không trụ được và ra đi. Lúc đó, 9 người còn lại đau đớn nhìn thân xác Khiêm chìm vào biển nước. Mất đi một người em, ai cũng đau buồn và cố gắng chiến đấu để sinh tồn.

Thật không may, biển động, sóng to, gió lớn, mưa kèm theo lạnh nhanh chóng bòn rút sức lực của mọi người. Sau Khiêm là anh Thế rồi lần lượt anh Trí, Huỳnh… ra đi và thi thể bị sóng biển dìm xuống.

Ánh mắt mệt mỏi sau chặng đường dài trở về, anh Nguyễn Văn Hà cho biết: “Khi tàu bị nạn, cả 10 anh em động viên nhau cố gắng để cùng nhau sống sót trở về. Nhưng cái đói, cái lạnh khiến mọi người không chịu được. Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh khi tận mắt nhìn thấy thể xác của cách anh lần lượt bị sóng biển chồm lên tấm xốp để hất xuống biển nước mênh mông, trước sự bất lực của tôi và anh Lai”.

Đến 19h tối 28-11, người cuối cùng "rời" khỏi tấm xốp là anh Ngoan...

"Còn lại hai anh em, tôi và Hà cũng không hi vọng gì mình còn sống sót mà trở về. Đói, lạnh, người bắt đầu có dấu hiệu bị lạnh cứng, tôi nói với Hà ăn xốp mút để làm nóng miệng và người. Hết xốp, hết mút thì hai người ăn rêu, ăn tảo và kể cả con rạm bám vào người cũng là thức ăn cho chúng tôi suốt thời gian lênh đênh trên biển", anh Lai kể.

“Khi đó chỉ biết kiếm cái nhai cho miệng không bị đông cứng lại thôi. Lúc nào đói thì nuốt vào bụng còn không thì nhai hết nước lại nhả bã ra. Đến bây giờ tôi không biết là mình đã ăn biết bao nhiêu xốp nữa nhưng hiện giờ bụng vẫn còn đau tức”, anh Lai nhớ lại.

"Chiều 29-11, khi đã kiệt sức tôi nhìn thấy còn tàu đánh cá cách chỗ các anh tầm 500 mét. Ngay lập tức, hai anh em buông tấm xốp, mặc áo phao lấy hết sức bình sinh bơi đến nơi con tàu đang đánh cá để kêu cứu và được người trên tàu cứu sống", anh Lai hồi tưởng thời khắc được cứu mạng.

Sau đó, anh Hà và anh Lai được các ngư dân trên tàu này đốt lửa sưởi ấm, nấu mì tôm cho ăn nên sức khỏe dần dần được ổn định. Đến 11h đêm, hai anh được đưa sang tàu cá của ông Nguyễn Văn Kính (ở Quỳnh Lưu) để trở về quê. Đến 17h chiều 30-11, tàu cá của ông Kính đã cập cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận để đưa hai anh trở về với người thân.

“Tôi muốn đưa xác em trai tôi về lắm, nhưng không thể nào…”

Tiếng trống, tiếng khóc kêu chồng vang lên ai oán não nề. Người dân ngày một tâp trung đông hơn tại nhà anh Thế để thắp nén nhang chia buồn cùng gia đình. Tấm áo tang được người thân lồng dần vào cho chị Phương cùng là lúc tiếng khóc xé lòng lại vang lên: “Anh ơi, anh đi anh nói anh về với mẹ con em cơ mà anh. Sao bây giờ lại thế này đây anh, em và hai con biết sống thế nào khi vắng anh đây anh ơi”. Nghe tiếng mẹ khóc, ai đứa con nhỏ được người thân bế ngồi bên bàn thờ mới lập của bố cùng òa lên khóc theo.

Bà Nguyễn Thị Hoa hàng xóm của gia đình anh Thế chia sẻ: “Khổ thân chú ấy quá, bình thường chú ấy hiền lành và thương vợ, thương con lắm. Bây giờ chú ấy đi như vậy rồi không biết cô Phương và hai đứa nhỏ sống ra sao”. Được biết, trước đây anh Thế có thời gian đi xuất khẩu lao động tại Malaysia nhưng không suôn sẻ và phải về nước sớm. Để có công việc và thu nhập, anh Thế xin gia nhập tàu của anh Trí để ra khơi.

Phủ phục bên bàn thờ của em, anh Lai nghẹn ngào nói: “Khi đang bám tấm xốp thì tôi nghe thấy 3 tiếng gọi anh Lai ơi rất nhỏ. Nhìn lại thì tôi thấy chú ấy người bầm tím bắt đầu buông tay khỏi tấm xốp. Tôi vội bơi theo kéo chú ấy lên để đưa lên tấm xốp nhưng không kịp nữa. Em tôi đã chết rồi, biết là sống chết với nghề biển nên tôi tìm cách kéo xác em theo để đưa về quê, nhưng không thể nào đưa theo được. Sau đó, tôi tìm thấy chiếc can để cột xác em vào để xác nổi với hi vọng các tàu đánh cá sẽ tìm thấy nhưng chiếc can đó lại mất nắp. Vậy là không biết neo xác em vào đâu, tôi đành phải thả xác em chìm vào biển nước. Em tôi chết mất xác như vậy đó, đau đớn lắm”.

Chị Phương đau đớn trước cái chết của chồng

Cùng chung nỗi đau với gia đình anh Lai là các gia đình anh Trí, anh Huỳnh, anh Khiêm, anh Hải, anh Lâm, anh Thanh… đều đã làm lẽ mai táng coi như các anh đã chết. Bà Nguyễn Thị Hương mẹ hai anh em Trí và Huỳnh vật vã: “Chết thật rồi, chết hết thật rồi, hai đứa con của tôi, chúng chết hết thật rồi. Trời ơi, sao số tôi lại khổ thế này, ông trời ơi, hãy trả lại con cho tôi đi”. Cũng trong chiều, xã An Hòa chìm ngập trong đau thương. Không khí nhuốm màu tang tóc, trên các con đường làng, từng lớp tiềm âm phủ rải trắng toát. Vậy là lễ tang của các anh vẫn được tiến hành dù không có thi thể. Đại tang bao trùm xã nghèo heo hút.

Những bà mẹ cạn khô nước mắt vì khóc thương con. Không ai bảo ai, người dân lần lượt đến nhà từng người để thắp hương chia buồn. Trong không khí tang tóc đó, anh Lai vẫn khẳng định: “Sống chết với nghề thôi, bây giờ không làm thì lấy gì để sống. Sau chuyến này nghỉ ngơi ít hôm tôi lại ra khơi đánh cá”. Nghe anh Lai nói vậy, anh Hà nói thêm vào: “Cũng may mà lần này anh em tôi có sức nên mới sống sót chứ không thì cũng đã chịu chung số phận như các anh em rồi”.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã có mặt để chia buồn cùng gia đình có người bị nạn. Theo thông tin từ anh Lai là 8 ngư dân còn lại đều đã chết nên các gia đình đã tổ chức lễ tang cho các anh. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn lại.