“Lời hứa” lãi suất

ANTĐ - Từ mức lãi suất cho vay 19-22%/năm, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm xuống còn 17-19%/năm. Hơn thế các ngân hàng còn đồng thuận tuân thủ trần lãi suất huy động 14%/năm. Động thái này giúp tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Niềm vui giảm lãi suất có kéo dài không còn chờ xem các ngân hàng có giữ được lời hứa thực hiện nghiêm quy định trần lãi suất huy động 14%/năm.

Vậy là “gói” giải pháp của Bộ Tài chính nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát 4 tháng cuối năm đã được mở ra. Cả Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều sử dụng khái niệm “chính sách tiền tệ chặt chẽ” thay vì “chính sách tiền tệ thắt chặt”. Bản thân Bộ trưởng Tài chính cho biết khi bắt tay vào điều hành lĩnh vực tài chính, ông đã ký biên bản hợp tác với Ngân hàng Nhà nước và khái niệm này đã được cụ thể hóa trong gói giải pháp.

Có lẽ đây mới thực sự là tín hiệu vui cho nền kinh tế cũng như giới doanh nghiệp khi mà tài khóa và tiền tệ “bắt tay” nhau chặt chẽ trong việc điều hành, không còn tình trạng bên này thắt chặt bên kia nới lỏng. Tài chính cũng như tín dụng được ví như mạch máu của nền kinh tế, tức là phải đảm bảo cho máu lưu thông, tránh “nghẽn mạch” và theo đúng quy luật kinh tế, quy luật thị trường.

Ông Bộ trưởng nói thẳng là không thích dùng từ “thắt chặt” mà muốn dùng từ “chính sách tài khóa hoặc chính sách tiền tệ “chặt chẽ”. Gói giải pháp tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tập trung vào việc giảm dần lãi suất và ổn định thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm. Còn gói giải pháp của Bộ Tài chính thì chú trọng tăng cường quản lý thu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát giá cả thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi nhậm chức đã tiến hành một loạt các cuộc họp lớn nhỏ, đồng thời đưa ra một loạt quy định để lập lại trật tự cho hệ thống ngân hàng. Việc làm đầu tiên hết sức cấp thiết để kiềm chế lạm phát là đưa lãi suất huy động về đúng khuôn khổ 14%/ năm, từ đó giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19%. Theo Thống đốc, các ngân hàng có đủ thực lực để giảm lãi suất vì trong những tháng qua họ đã thu hút được lượng vốn khá lớn bằng VND. Nhìn lại những năm trước, dư luận không khỏi e ngại vì các ngân hàng đã từng đồng thuận giảm lãi suất rồi mạnh ai nấy làm. Với khoảng 100 tổ chức tín dụng hiện nay, để có chung một sự đồng thuận, đồng lòng thật chẳng dễ gì, bới sự chênh lệch khá lớn về năng lực tài chính, khả năng thanh khoản. Ngay cả chính sách trần lãi suất 14% chưa kịp ráo mực thì đã bị phá rào.

Điều này đòi hỏi sự quyết liệt của người cầm trịch là Ngân hàng Nhà nước. Lần này ngân hàng đã đề ra những biện pháp khá khắt khe xử phạt nặng những ngân hàng nuốt lời hứa lãi suất. Một vị nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nói thẳng: Gói gì thì gói, dù thắt chặt hay chặt chẽ… thì cũng phải đưa lạm phát đi xuống. Kết quả cuối cùng thế nào mới là quan trọng!