“Loạn” lớp học đào tạo kỹ năng sống

ANTĐ - Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến kỳ nghỉ hè của học sinh nhưng nhiều phụ huynh đã tìm hiểu, đăng ký cho con em mình tham gia những lớp học dạy kỹ năng sống. Chất lượng thực tế của những lớp học này ra sao vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Gần gũi với thiên nhiên là một cách tốt để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 

(Ảnh minh họa)


Mỗi trung tâm một chương trình

“Bạn là người thực sự lo lắng cho con cái? Bạn muốn con mình trên thông thiên văn dưới tường địa lý? Bạn muốn con mình biết phân biệt điều hơn lẽ thiệt, biết rung động trước cái đẹp, biết phát huy nội lực để vươn lên… hãy gửi các con đến với chúng tôi chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ rất hài lòng… Sau thời gian học, các con sẽ thực sự thấy thú vị và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống”. Những đoạn quảng cáo hấp dẫn như thế này về lớp học kỹ năng sống được đăng tải trên mạng internet đã thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh. 

Chị Vũ Thảo Linh, ở khu đô thị mới Xa La, quận Hà Đông chia sẻ: “Con gái bạn tôi sau khi tham gia một khóa học về kỹ năng sống đã tự tin hơn, không còn run khi đứng trước đám đông, nên hè năm trước tôi cũng đăng ký cho con trai đang học lớp 6 của mình vào lớp học này. Tuy vậy, mới được 5 ngày mà cháu đã có biểu hiện uể oải, chán nản, không muốn đi học. Cháu nói đến lớp chỉ được chơi mấy trò chơi cũ, thầy cô cứ hướng dẫn được khoảng 5, 10 phút lại đi ra ngoài nghe điện thoại, cơ sở vật chất trong lớp học thì cũ kỹ, xuống cấp. Nghe con nói vậy, tôi đành gửi con về quê cho ông bà ngoại trông giúp, đành chấp nhận mất tiền học cả khóa đã nộp”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Vũ Quốc Việt, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy lo lắng: “Tôi muốn các con tôi tự lập, không phụ thuộc, không ỷ lại vào bố mẹ. Thật tiếc các nhà trường chỉ coi trọng việc dạy văn hóa, trẻ không được học những kỹ năng sống. Trong khi đó, cho dù trẻ có học văn hoá giỏi nhưng không biết chủ động, độc lập thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Khi cho con đi học kỹ năng sống, chúng tôi đều mong muốn con em mình sẽ tự tin, mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn là giáo trình của các trung tâm đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt hay chưa? Hơn nữa, trung bình thời gian đào tạo 1 khoá của các trung tâm này thường chỉ kéo dài trong vòng từ 7 đến 20 buổi. Hầu hết các em chưa kịp nắm bắt các kỹ năng thì quá trình học đã kết thúc. Như vậy, chất lượng đào tạo của các khóa học liệu có đảm bảo?”. 

Hiện mức học phí tại các trung tâm đào tạo kỹ năng sống khá đa dạng, từ trên dưới 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/khóa tùy theo chương trình. Tuy vậy, do kỹ năng sống chưa được đưa vào chương trình học chính khóa nên nội dung và chương trình học tại các trung tâm không thống nhất. Có trung tâm biên soạn chương trình theo tài liệu của các nước châu Âu, có nơi lại căn cứ vào tài liệu của Trung Quốc, nơi lại tổng hợp các tài liệu trong nước... 

Cần thiết nhưng phải thận trọng

Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho rằng: “Kỹ năng sống không nên quá cao siêu mà vô cùng đơn giản, gần gũi với trẻ em. Đây là những kiến thức tối thiểu để các em có thể tự lập. Tại một số trung tâm đào tạo kỹ năng sống hiện nay, các em được dạy những điều cơ bản nhất như giới thiệu bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc theo nhóm, kỹ năng khám phá, thay đổi bản thân. Mục đích của các lớp học này là giúp các em tự tin hơn, tự lập hơn trong cuộc sống. Tuy vậy, đây chỉ là những kỹ năng bổ trợ, chỉ được học thời gian ngắn. Trong khi đó, để tạo thành kỹ năng, phản xạ tốt thì các em cần được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Do đó, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Để các khóa học thực sự bổ ích với con em mình, phụ huynh hãy tìm hiểu xem con mình cần kiến thức và kỹ năng gì để tìm khóa học phù hợp, đồng thời phối hợp với trung tâm theo dõi chặt chẽ chương trình học để cùng giáo dục con.

Theo một giám đốc trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội: “Ở các nước phát triển, trẻ rất độc lập nên có thể tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này chưa được coi trọng. Chúng tôi mở lớp học này vì ngày càng có nhiều trẻ em do thiếu kỹ năng sống nên đã bị xâm hại, bị lạm dụng. Đã đến lúc phải dạy cho trẻ kĩ năng sống, chuẩn bị cho các em tâm lý chủ động để tiếp nhận cuộc sống và có thể thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Thông thường việc dạy các kỹ năng đi từ dễ đến khó. Các em được dạy lý thuyết cụ thể, rồi thực hành ngay”.

Có thể nói, sự đa dạng trong các chương trình thực hành xã hội đã tạo ra cho phụ huynh nhiều cơ hội lựa chọn các khóa học cho con mình. Nhưng khi tiếp cận với các chương trình này, các bậc cha mẹ chủ yếu cũng chỉ tìm hiểu về mặt lý thuyết bởi chính bản thân họ cũng chưa có cơ hội được thực hành. Ngoài ra, từ trước đến nay, phụ huynh chủ yếu quan tâm đến việc học của con trong nhà trường, kỳ nghỉ hè lại bắt con học thêm văn hóa đã khiến con phát triển thiếu cân đối, gặp nhiều khó khăn khi vào đời. Việc phát triển các chương trình thực hành xã hội hiện nay đã góp phần bổ sung những thiếu hụt kỹ năng sống của trẻ. Song, việc học chỉ hiệu quả khi phụ huynh biết con mình cần cái gì, yếu cái gì… để lựa chọn nội dung, khóa học cho phù hợp.