Lo ngay ngáy nhà lún, nứt

(ANTĐ) - Những sự cố sập, lún, nứt nhà liên tiếp xảy ra khiến người dân hết sức lo lắng. Song trên thực tế, những tòa nhà bị sụt lún nghiêm trọng, biến thành nhà nguy hiểm lại không quá hiếm, nhất là trên địa bàn một số quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình.

Lo ngay ngáy nhà lún, nứt

(ANTĐ) - Những sự cố sập, lún, nứt nhà liên tiếp xảy ra khiến người dân hết sức lo lắng. Song trên thực tế, những tòa nhà bị sụt lún nghiêm trọng, biến thành nhà nguy hiểm lại không quá hiếm, nhất là trên địa bàn một số quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình.

>>>Sập nhà kinh hoàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng / “Thần đèn” xuất hiện, xem xét ngôi nhà có nguy cơ sập / Dân nhốn nháo vì hoang tin “nhà sắp sập” / Sập nhà, dân thức trắng đêm trong nhà nghỉ / Mạo hiểm vào trong ngôi nhà sắp sập / Di dời dân sống gần nhà nghiêng phố Huỳnh Thúc Kháng

Chung cư nghiêng tại Khu tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị, quận Ba Đình
Chung cư nghiêng tại Khu tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị, quận Ba Đình

Náo loạn vì nhà lún, nứt

Những ngày này, người dân quận Đống Đa phát sốt với việc hàng loạt ngôi nhà riêng lẻ bị lún, nứt, nghiêng... Thực ra, các ngôi nhà này đều đã lún, nứt từ nhiều năm nay. Trường hợp nhà nghiêng ở ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng là một ví dụ. Chỉ khi quá trình lún, nứt đã “đẩy” công trình tới mức độ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới an toàn của cộng đồng, cộng thêm sự cố sập nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng và mối lo động đất, người ta mới càng kinh hãi nhìn nhận lại sự việc.

Không chỉ nhà tư nhân, xây dựng riêng lẻ bị lún sụt, nguy hiểm, người dân Hà Nội còn lo ngay ngáy bởi sự xuống cấp của nhiều tòa chung cư cũ. Điển hình là khu tập thể Bộ Tư pháp trên phố Kim Mã Thượng (phường Cống Vị, quận Ba Đình) hiện đang lún nghiêng chừng 30cm. Lo lắng hơn là các khối nhà còn đổ về phía sau khiến hàng trăm người dân sống tại đây hoang mang suốt nhiều năm. Hiện khu tập thể này có 63 hộ gia đình sống trong 3 khối nhà nằm liền nhau. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, khối 1 và 3 đã tách khỏi khối 2 (nằm giữa), như tường của khối nhà 2 và 3 tách rời nhau hàng chục centimet. Và khoảng cách  khe hở giữa các tòa nhà ngày một rộng ra.

Tuy thế, mức độ lún, nứt của tập thể Bộ Tư pháp chẳng thấm vào đâu so với chung cư nghiêng Phương Liệt (quận Đống Đa) hay nhà lún I2 Nam Thành Công (quận Đống Đa). Suốt hàng chục năm, nhà I2 bị lún tới gần 1m. Các căn hộ đều bị nứt nghiêm trọng, cầu thang gần như rời hẳn khỏi tòa nhà. Kinh khủng hơn, nhà C1 Thành Công (quận Ba Đình) còn bị lún tới gần 2m. Gần như toàn bộ tầng 1 của tòa nhà bị chìm trong lòng đất. Ấy vậy mà người dân vẫn phải sống cả chục năm trong những tòa nhà nguy hiểm cấp độ D (mức cao nhất). Chỉ tới khi xảy ra trận ngập lụt chưa từng có tại Hà Nội hồi cuối năm 2008, 2 tòa nhà “siêu lún” này mới được phá dỡ và xây dựng lại.

Ứng xử ra sao với nhà sụt lún

Trước tình trạng người dân lo ngại về hàng loạt công trình lún, nứt gây nguy hiểm, ThS. Nguyễn Hữu Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho biết, việc xảy ra lún sụt nhà tại khu Thành Công và nhiều nơi tại Hà Nội có nguyên nhân khách quan là do các lớp đất đặt móng bị lún hoặc do tác động của các công trình xây dựng xung quanh. Ông Nguyễn Hữu Bình giải thích, nền đất yếu hay tốt phụ thuộc vào quy mô và tải trọng công trình xây dựng. Do vậy, nếu chỉ ỷ vào nền đất tốt mà xây dựng công trình lớn, cao tầng nhưng không có biện pháp xử lý nền móng thì công trình bị lún và có thể kéo theo các công trình nhỏ xung quanh.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, một lý do khác rất quan trọng đó là do tải trọng công trình vượt quá sức chịu tải cho phép của lớp đất đặt móng mà lớp đất đó không được xử lý, gia cố phù hợp. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức, người dân xây dựng tự phát theo kinh nghiệm, cơi nới cải tạo tùy tiện, không khảo sát địa chất công trình, trình độ, chất lượng thi công kém…

Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng cho biết, khu vực Thành Công mới đây vừa xảy ra nhiều sự cố lún, sập nhà là do khu vực này có cấu tạo địa chất công trình phức tạp, đất tốt xen lẫn đất yếu. Với những trường hợp nhà đã bị lún nứt, ông Nguyễn Hữu Bình khuyên người dân nên thuê các đơn vị chuyên môn tới thực hiện việc chống đỡ, chống sập. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng công trình, lập và thực hiện biện pháp gia cố, chống lún hoặc tháo dỡ công trình nếu không thể sửa chữa được nữa. Nếu công trình đã ở tình trạng nguy hiểm, phải khẩn trương di dời người và tài sản ra khỏi công trình và khu vực lân cận. Đồng thời, lập ngay rào chắn, cảnh báo người dân và các phương tiện không được qua lại khu vực nguy hiểm...       

Chính Trung