“Lỗ” khó lấp đầy

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang gấp rút hoàn thiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước”. Chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp đã được nhất trí về quan điểm, song việc triển khai chiến lược này được dự báo sẽ gặp một số rào cản bởi một lý do là “muốn cắt nhưng chưa sẵn sàng chịu đau”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, đối với các doanh nghiệp Nhà nước, có lẽ đã qua hơn hai chục năm nhưng vẫn phải nhắc lại quan điểm: “Cái gì Nhà nước làm tốt thì để Nhà nước làm, tư nhân làm tốt thì để tư nhân làm”. Nhiều ý kiến cũng thống nhất chủ trương “Nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường và tư nhân không làm được”. Tuy vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, khi xác định nhiệm vụ cụ thể thì cảm thấy rất khó, hình như doanh nghiệp nào cũng cho rằng mình làm tốt hơn nên không muốn nhường cho tư nhân. Nếu vẫn tiếp tục tư duy cũ Nhà nước làm tất cả, cũng kinh doanh, cạnh tranh và kiếm tiền thì không thể bàn tới chuyện tái cấu trúc.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trước hết cần nâng cao năng lực quản trị, tách các quy định và quyền sở hữu, kiểm toán, độc lập kịp thời và công bố thông tin. Chủ động giải quyết sự yếu kém và không hiệu quả, bao gồm tái cấu trúc, cổ phần hóa.

Một chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, không nên gộp các doanh nghiệp Nhà nước vào một “giỏ” vì các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng khác nhau, cung cấp các dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, không thể khoán trắng cho tư nhân. Vấn đề hiện nay là, các chuyên gia hầu như không biết được chính xác con số thực lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước. Không rõ bao nhiêu phần trăm trong khoản lỗ là do cung cấp dịch vụ hay do quản lý yếu kém. Doanh nghiệp nào cũng có thể lỗ, thậm chí là lỗ “nặng”, nhưng tỷ lệ của các doanh nghiệp khu vực Nhà nước ở các quốc gia phát triển chiếm tỷ trọng không cao trong tổng GDP toàn xã hội, vì vậy họ coi như không có chuyện gì trầm trọng. Còn ở Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước chiếm tới

37-40% GDP. Bởi thế, một trong những vấn đề bức xúc về thực trạng của khối doanh nghiệp được Đề án Bộ Kế hoạch - Đầu tư tập trung làm rõ là mức lỗ của khu vực này cao hơn nhiều so với các khu vực kinh tế khác. Theo Tổng cục Thống kê, hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh, trong khi khu vực các doanh nghiệp khác là 25%. Cho dù mức chịu lỗ thấp, song lỗ bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước lại cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Danh sách những tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thua lỗ, chưa kể lỗ lũy kế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, nợ của 81/91 tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Vinashin) lên tới con số 813.435 tỷ đồng. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, trên thực tế, mức lỗ hay số nợ phải trả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước có thể còn cao hơn nhiều so với những con số mà cơ quan này nhận được.

Quen được nhận nhiều ưu ái về tiếp cận các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vậy mà khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tuy không phải là tất cả, vẫn làm ăn thua lỗ, nợ cao. “Lỗ” đó là khó lấp, nợ khó trả. Nếu không tái cấu trúc ngay từ bây giờ thì còn đợi đến bao giờ?