Lộ điểm yếu chí tử

ANTĐ - Những thông tin tiếp tục được đưa ra sau vụ sập hầm đường bộ Sasago đã làm lộ rõ những điểm yếu chí tử của ngành xây dựng Nhật Bản vốn từ trước tới nay luôn được coi là mẫu mực với thế giới.  

Các xe hơi gặp nạn được đưa ra khỏi đường hầm Sasago

Theo thông tin của Cảnh sát tỉnh Yamanashi, miền trung Nhật Bản, tính đến ngày 3-12, số người thiệt mạng trong vụ sập hầm đường bộ Sasago đã tăng lên 9 người. Ngoài 5 thi thể nạn nhân bị thiêu cháy tìm thấy trên một chiếc xe vào sáng 2-2, được xác nhận là 3 nam và 2 nữ trạc 20 tuổi sống ở Tokyo, cảnh sát đã xác nhận thêm 3 thi thể trên một xe khác, gồm một nạn nhân nam và hai nạn nhân nữ tuổi từ 60-70, cư trú ở tỉnh Yamanasi. Ngoài ra, một lái xe tải chở đồ đông lạnh cũng tử vong. 

Các nhân viên điều tra cho biết 150 tấm trần đường hầm, mỗi tấm có chiều ngang 5 m, chiều dọc 1,2 m, dày 8 cm và nặng 1,2 tấn, đã sập xuống theo hình chữ V trên một đoạn hầm dài khoảng 100 m. Thông thường, trong quá trình thi công, nhà thầu sẽ tạo khoảng cách giữa các tấm trần này để không khí lưu thông được dễ dàng. Người ta thường dùng các móc kim loại giữ cố định các tấm này với khoảng cách 1,2 m. Nhưng vì lý do nào đó mà lớp tường bê tông ngăn cách đầu móc với phần nóc của đường hầm này bị bong ra khiến các tấm trần rơi xuống.

Với bề dày lịch sử xây dựng luật lệ ứng phó với những thiên tai động đất thay đổi rất nhiều trong vòng 100 năm qua, Nhật Bản đã phát triển tiêu chuẩn xây dựng có thể coi là mẫu mực của thế giới. Lần đầu tiên, Luật Tiêu chuẩn xây dựng đô thị ra đời năm 1919, sau trận động đất kinh hoàng 8,5 độ richter tại Nobi năm 1891. Sau đó, cứ sau mỗi trận động đất lại có những thay đổi trong kiểm soát xây dựng tại Nhật Bản.

 

Thế nhưng thảm họa Sasago đã bộc lộ những “điểm tối” mà người ta chưa biết. Đường hầm Sasago với chiều dài 4,7 km được đưa vào sử dụng năm 1977, nối hai thành phố Otsuki và Koshu. Cứ 5 năm một lần, công trình này lại được kiểm tra chất lượng và cuộc kiểm tra mới nhất vừa diễn ra hồi tháng 9 vừa rồi với đánh giá là “kết quả tốt”. Tuy nhiên, theo ông Chikaosa Tanimoto, giáo sư danh dự chuyên ngành kỹ thuật đường hầm tại trường Đại học Osaka, chính bộ phận kết nối tấm trần và các cột cùng việc các trụ cột đã xuống cấp do bị ảnh hưởng bởi rung chấn từ động đất và sự lưu thông hàng ngày của các phương tiện là nguyên nhân gây ra vụ sập hầm Sasago. 

Báo chí Nhật Bản thì tìm về quá khứ và đưa ra khá nhiều chuyện liên quan đến việc nhiều hoạt động ứng cứu và chữa cháy trong hầm luôn cận kề với nguy hiểm. Chẳng hạn, trong vụ tai nạn đường hầm    Nihonzaka ở tỉnh Shizuoka năm 1979 làm 7 người chết, xe cứu hỏa đành bất lực trước đám cháy lớn do đường ống chữa cháy không đủ dài để vào tận sâu bên trong hầm, tiếp cận với đám cháy. Hay như trong vụ tai nạn đường hầm Toyohama ở Hokkaido năm 1996, lực lượng chức năng cũng mất khoảng 7 ngày mới tìm ra thi thể các nạn nhân.

Nhật Bản có một hệ thống đường cao tốc khổng lồ với hàng nghìn đường hầm, nơi có tới hàng triệu chiếc xe ô tô qua lại mỗi ngày. Vụ sập đường hầm Sasago, một trong những tuyến đường chính nối Thủ đô Tokyo với miền trung đất nước, không khỏi khiến dư luận lo ngại về vấn đề an toàn xây dựng ở một đất nước có trình độ và công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới.