Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của đối thoại trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên

ANTD.VN -Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 16/12 đã tiến hành phiên họp cấp Bộ trưởng lần thứ 8137, thảo luận nghị trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký Antonio Guterres cho rằng, bán đảo Triều Tiên đang là điểm căng thẳng và nguy hiểm nhất trong các vấn đề hòa bình và an ninh, gây quan ngại sâu sắc về nguy cơ đối đầu quân sự, đặc biệt là những hệ quả không mong muốn từ những tính toán sai lầm

Triều Tiên là nước duy nhất phá vỡ các nguyên tắc về cấm thử vũ khí hạt nhân, trong khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) vẫn chưa được phép vào Triều Tiên để xác thực chương trình hạt nhân của nước này

Tổng thư ký LHQ kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA, nối lại tiến trình đàm phán, hướng đến một nền hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên

Ông nhấn mạnh, để tránh tình hình leo thang bất chợt có thể dẫn tới xung đột, các bên cần phải tái lập ngay các kênh liên lạc với Triều Tiên, nổi bật là liên lạc Liên Triều và các kênh quân sự; đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào cũng đều gây ra những hệ quả nghiêm trọng, khôn lường

Theo ông Guterres, thống nhất tại LHQ và đoàn kết tại HĐBA là công cụ đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, tạo không gian cho các sáng kiến ngoại giao

Tổng thư ký LHQ cũng khẳng định, can dự ngoại giao là giải pháp tốt nhất để đạt được hòa bình ổn định và phi hạt nhân hóa. Cộng đồng quốc tế cần phải làm mọi việc để đạt những mục tiêu này và tránh nguy cơ khó lường, hệ quả thảm khốc

Phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, nước này sẽ duy trì các kênh trao đổi thông tin mở với Triều Tiên, trong khi Washington vẫn tiếp tục gây sức ép để Bình Nhưỡng ngừng tiến hành thêm các vụ thử tên lửa và hạt nhân

Ông Tillerson nhấn mạnh, trước khi các cuộc đàm với Bình Nhưỡng có thể bắt đầu, Triều Tiên phải duy trì việc ngừng các hành vi đe đọa. Theo Ngoại trưởng Mỹ, ngoại trừ điều này, không có điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán và Mỹ cũng không chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Triều Tiên hoặc các nước khác

Ngoài ra, Ngoại trưởng Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực với Triều Tiên, bằng cách tiến xa hơn việc thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ

Đại sứ Triều Tiên Ja Song-nam đã không đề cập tới lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, điều mà ông này gọi là "một biện pháp liều lĩnh do Mỹ bày ra vì khiếp sợ trước sức mạnh phi thường của Triều Tiên" khi Bình Nhưỡng "giành được thành quả vĩ đại trong việc hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia”

Ông Ja Song-nam khẳng định, Triều Tiên không gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào nếu như những lợi ích của nước này không bị xâm phạm

Cũng trong ngày 16/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và ông Tillerson trong cuộc gặp tại New York trước thềm Hội nghị cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ đã tái khẳng định sự cần thiết phải gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, nhằm mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Hai quan chức cũng trao đổi quan điểm về đề xuất gần đây của ông Tillerson liên quan các cuộc đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, song các quan chức Nhật Bản không công bố chi tiết về nội dung này