Lí do Mỹ quay lại trọng dụng "sát thủ" FIM92 Stinger

ANTD.VN - Với việc Lầu Năm Góc đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy khoảng trống trong khả năng phòng thủ tên lửa tầm thấp, quân đội Mỹ đã gấp rút huấn luyện binh lính tại châu Âu tăng cường sử dụng phiên bản vác vai của tên lửa FIM92 Stinger. 

“Đưa trở lại tên lửa Stinger là biện pháp nhằm lấp đầy khoảng trống đã được quân đội Mỹ thừa nhận. Chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp cổ điển và cung cấp khả năng phòng không tầm thấp cho các đơn vị cơ động”, Trung tá quân đội Mỹ Aaron Felter cho hay. 

Khoảng 50 người đang được hướng dẫn cách huấn luyện binh sĩ sử dụng tên lửa Stinger tại khu diễn tập Hohenfels, Đức. 

Tên lửa vác vai Stinger đã trở thành vũ khí không được trọng dụng trong quân đội Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh do trong suốt 3 thập niên qua, Mỹ dường như là lực lượng bất khả chiến bại trên không trong mọi cuộc chiến. 

Tuy nhiên, Mỹ đang trở nên hoài nghi về khả năng chiếm ưu thế trên không do sự trở lại của Nga và Trung Quốc, cùng với đó các đối thủ mới như Iran. 

Ngoài ra, xu hướng sử dụng máy bay không người lái (UAV) để do thám và tấn công trong thời gian gần đây cũng khiến những vũ khí phòng không tầm thấp được sử dụng nhiều hơn

Tên lửa Stinger, vốn có được danh tiếng nhờ nhiều lần hạ gục các trực thăng của Liên-xô trong chiến tranh Afghanistan hồi những năm 1980, sử dụng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại để bắn trúng mục tiêu.

Tên lửa Stinger có trọng lượng tương 15,2 kg, dài 1,52m, đường kính thân 72 cm, chỉ cần một người sử dụng. 

Mặc dù vậy nhưng nó có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 - 3.800 m. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy

Loại tên lửa này còn có thể gắn trên các xe quân sự nhằm tấn công các trực thăng, máy bay cánh cố định bay tầm thấp hay các mục tiêu lớn khác.

Gần đây, Mỹ cũng đã nâng cấp cho Stinger công nghệ ngòi nổ cận đích mới, giúp nó khả năng tiêu diệt được các UAV cỡ nhỏ từ 2 đến 20kg ở khoảng cách hơn 1km.