Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga thất thế trong cuộc đua giành Bắc Cực

ANTD.VN - Cuộc đua giành Bắc Cực theo đánh giá đã trở nên đổi chiều theo hướng bất lợi cho Moskva, một phần không nhỏ là do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận.

Cuộc đua giành Bắc Cực ngày càng trở nên khốc liệt hơn với Nga khi xuất hiện thêm những đối thủ mới, trong khi Moskva gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận nặng nề.

Bắc Cực có thể trở thành một trong những tâm chấn của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới, nhà báo người Ý Angelo Bruschino nói trên tờ Huffington Post.

Trong những năm gần đây, các cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng chú ý đến Bắc Cực, nơi tập trung nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh địa chính trị đối với khu vực này đã tăng cường mạnh mẽ và Nga nhận thấy mình là trung tâm.

Theo nhà báo Angelo Bruschino, nếu sắp tới Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập khối quân sự NATO thì Liên bang Nga có nguy cơ bị bao vây bởi các quốc gia không thân thiện từ phía Bắc.

“Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm 2008, Bắc Cực chứa 47 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, 90 tỷ thùng dầu, cũng như trữ lượng vàng, kẽm, niken và sắt, nơi đây cũng có trữ lượng lớn nước ngọt đáng kể”, nhà báo lưu ý.

Trên thực tế, 53% toàn bộ bờ biển của Bắc Băng Dương thuộc về Nga. Trong những năm gần đây, sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực đã tăng lên với tốc độ rất nhanh chóng.

Nhiều căn cứ và sân bay mới đang được xây dựng ở đó, và một số cơ sở từ thời Liên Xô đang được tái kích hoạt. Ngoài ra trong khu vực, Hạm đội Phương Bắc của Liên bang Nga, được coi là đơn vị hải quân mạnh nhất của nước này.

Ngoài sự giàu có tự nhiên khổng lồ, Bắc Cực còn thú vị từ quan điểm hậu cần. Tuyến đường biển phương Bắc (NSR), chạy dọc theo bờ biển phía Bắc của Liên bang Nga có thể trở thành tuyến giao thông thay thế cho kênh đào Suez trong tương lai.

Tuyến đường giao thông mới dự báo sẽ tăng tốc đáng kể việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Châu Âu, điều này làm cho NRS trở thành một hướng đi cực kỳ hứa hẹn.

Rõ ràng các quốc gia phương Tây sẽ áp đặt sự cạnh tranh đối với Liên bang Nga trong khu vực này. Những kho báu tự nhiên của Bắc Cực khơi dậy sự thèm muốn của nhiều nước trong, thậm chí ngoài Vòng Bắc Cực.

“Moskva có nguy cơ bị bao vây bởi các cường quốc thù địch là thành viên của NATO hoặc sắp gia nhập NATO. Và sự cạnh tranh về tài nguyên có thể biến dải đường biển này thành một chiến trường thực sự”, tác giả viết trêb tờ Huffington Post.

Để duy trì lợi thế của mình trước những đối thủ tiềm tàng, Nga đã có kế hoạch tăng cường sức mạnh bằng cách đẩy mạnh việc đóng mới nhiều tàu phá băng hạt nhân cũng như tàu phá băng mang tên lửa lớp Ivan Papanin.

Những phương tiện nói trên sẽ giúp Moskva hiện diện liên tục trên những vùng biển đóng băng của Bắc Cực, điều mà các quốc gia cạnh tranh chưa theo kịp Nga trong giai đoạn trước mắt.

Tuy vậy bản kế hoạch trên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những lệnh trừng phạt nặng nề đang khiến nền kinh tế Nga phải kế hoạch lại, họ không còn nguồn tiền dồi dào cho các dự án tham vọng của mình.

Không chỉ có vậy, việc thiếu nguồn cung trang thiết bị tiên tiến từ phương Tây cũng đang gây đình trệ nhiều chương trình chế tạo lớn của Nga, đây là điều khó lòng khắc phục trong tương lai gần.