Lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản gali gây ảnh hưởng tới chính Trung Quốc?

ANTD.VN - Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu khoáng sản gali bị đánh giá “lợi bất cập hại” khi Mỹ và phương Tây có thể dễ dàng tìm nguồn cung thay thế.

Mới đây Trung Quốc đã công bố áp dụng các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu hai khoáng sản quan trọng đó là gali (gallium) và germani (germanium), đây là thành phần tối quan trọng để sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao như vi mạch và chip xử lý.

Hành động nói trên được Bắc Kinh xem như sự trả đũa đối với những bước đi "không thân thiện", khi Mỹ và các đồng minh tìm cách ngăn cản Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp điện tử.

Đòn trả đũa của Trung Quốc nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến kinh tế mới giữa Bắc Kinh và tập thể phương Tây, vốn thực sự muốn hạn chế sự phát triển của quốc gia châu Á này.

Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, khi đó tất cả các công ty muốn tiếp tục xuất khẩu sản phẩm nói trên sẽ phải nộp đơn lên Bộ Thương mại Trung Quốc và cung cấp thông tin về khách hàng để hệ thống hóa và phân tích dữ liệu về người mua nước ngoài.

Động thái trên của Bắc Kinh gây ra không ít lo ngại, bởi theo Trung tâm nghiên cứu Critical Minerals Intelligence Centre của Anh, Trung Quốc chiếm khoảng 94% sản lượng gali trên toàn thế giới.

Theo Giám đốc công ty Lipmann Walton & Co, ông Anthony Lipmann - đơn vị kinh doanh kim loại hiếm, hành động trên có thể gây nhiều rắc rối và dẫn đến hậu quả tiêu cực cho ngành công nghệ cao.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia trong ngành tin rằng hành động của Trung Quốc có thể phản tác dụng khi kích thích sản xuất kim loại hiếm ở các khu vực khác trên hành tinh.

Nhiều ý kiến nhận xét gali và germani không nên được phân loại là kim loại hiếm, vì chúng có thể thu được trong quá trình xử lý các loại nguyên liệu thô khác, bao gồm than và bauxite dưới dạng sản phẩm phụ, Trung Quốc chỉ đơn giản là chào bán với giá thấp nhất.

Theo đánh giá, phương Tây sẽ dễ dàng thay thế Trung Quốc trên thị trường gali bởi vì châu Âu cũng có đủ dự trữ, nhưng mặt khác không phải tất cả mọi thứ đều đơn giản như vậy.

Đầu tiên cần tăng sản lượng khai thác, chúng sẽ đắt hơn sản phẩm của Trung Quốc. Sau đó, cần phải tìm cách bão hòa thị trường, điều này có thể không hiệu quả.

Nhưng ngược lại, Giám đốc Công ty phân tích Hallgarten chuyên về lĩnh vực khai thác - ông Christopher Ecclestone tự tin cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ thể dẫn đến việc phương Tây bắt đầu sản xuất gali trên quy mô lớn.

"Giá sẽ tăng trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó Trung Quốc sẽ mất vị trí thống lĩnh thị trường, tương tự điều đã xảy ra với antimon, vonfram và đất hiếm trong quá khứ", ông Ecclestone nhận xét.

Đối với những sản phẩm công nghệ cao bị đội giá lên trong giai đoạn đầu khi tình trạng khan hiếm vật liệu xuất hiện, thiệt hại cũng không thuộc về những doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu.

Những công ty này chỉ cần đơn giản là tăng giá lên mức tương ứng là vẫn thu được lợi nhuận cần thiết, bởi sản phẩm công nghệ cao của họ đơn giản là không thể thay thế và nhu cầu vẫn rất lớn.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ mất đi khách hàng rất lớn mua nguyên liệu thô, đồng thời còn bị hạn chế tiếp cận đối với chip máy tính xử lý tối tân do phương Tây chế tạo.