Lệ phí đăng ký mới: 30-50% giá trị xe?

(ANTĐ) - Cục Đường bộ Việt Nam đang dự kiến đưa ra các giải pháp hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân trong nội thành Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, giải pháp mạnh nhất là tăng phí đăng ký mới phương tiện cá nhân lên bằng 30-50% giá trị của phương tiện đó. Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các giải pháp này.

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại thành phố lớn:

Lệ phí đăng ký mới: 30-50% giá trị xe?

(ANTĐ) - Cục Đường bộ Việt Nam đang dự kiến đưa ra các giải pháp hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân trong nội thành Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, giải pháp mạnh nhất là tăng phí đăng ký mới phương tiện cá nhân lên bằng 30-50% giá trị của phương tiện đó. Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các giải pháp này.

Tăng lệ phí đăng ký và thu phí lưu hành

Ngoài việc tăng phí đăng ký phương tiện mới, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất thu phí lưu hành của phương tiện cá nhân ở Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, phương tiện lưu hành tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn (từ 6h30 - 8h30 và từ 16h30 - 19h) trong nội đô phải nộp một khoản phí theo ngày, hoặc theo tháng với giá trị 20.000 đồng/ngày (hoặc 500.000 đồng/tháng) đối với ôtô, 10.000 đồng/ngày (200.000 đồng/tháng) đối với xe gắn máy.

Các khoản thu trên hỗ trợ vào việc cấp vé xe buýt miễn phí cho một số đối tượng như học sinh cấp 3, sinh viên, cán bộ, công chức và một bộ phận nhân dân; bố trí các điểm đỗ cho phương tiện ngoại tỉnh tại các đường vành đai trước khi vào nội đô.

Muốn sở hữu xe máy, ôtô người dân phải “móc” thêm tiền phí
Muốn sở hữu xe máy, ôtô người dân phải “móc” thêm tiền phí

Sở GTCC và Sở GD-ĐT ở hai thành phố sẽ nghiên cứu mạng lưới các trường mầm non, tiểu học để tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực, giờ đưa đón từ 6h30-7h30 trên các tuyến để giải quyết việc đưa đón học sinh cho các gia đình.

Đồng thời, bắt buộc học sinh cấp 3, sinh viên đi xe buýt và phương tiện công cộng đến trường, phát miễn phí vé xe hoặc trợ giá đối với các đối tượng này. Đối với phương tiện thô sơ, sẽ tuyên truyền đi bộ với cự ly ngắn dưới 500m; cấm các loại xe thồ, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, đi vào một số tuyến phố, đặc biệt cấm xe thồ, xe xích lô, ba gác, người đi bộ mang quang gánh vào giờ cao điểm.

Một giải pháp khác để hạn chế  ôtô cá nhân là trong giờ cao điểm, sẽ cấm ôtô chỉ có 1 lái xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố.

Khó thực hiện?

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân là việc  khó thực hiện  trong tình hình hiện nay.

Thực tế cho thấy, khi hạn chế xe máy, ôtô ở Hà Nội và TP.HCM mà 62 tỉnh, thành khác không bị hạn chế, thì người dân ở hai thành phố này sẽ chuyển sang đăng ký xe ở các tỉnh lân cận rồi đưa về thành phố lưu thông.

Ông Hùng cho rằng, cần điều tra phân vùng từng khu vực ùn tắc và có giải pháp cụ thể tại những khu vực đó. “Nên cân nhắc việc thu phí của người đi xe máy, ôtô để giúp người đi xe buýt, bởi việc này sẽ làm người dân bức xúc” - ông Lý Tuấn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cảnh báo.

Theo chuyên gia này, việc hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc là cần thiết, nhưng cần có một lộ trình thực hiện. Khi phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh đáp ứng đủ thì mới có cơ sở để thực hiện việc này. ở Thái Lan, Thủ đô Bangkok đã phải chi 42 tỷ USD mới cải thiện được tình trạng ùn tắc. Trên thực tế, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, phương tiện xe máy vẫn cần được duy trì cho tới khi phát triển được các phương tiện giao thông công cộng vận chuyển lớn.

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Hoàng Linh - Trưởng phòng Vận tải công nghiệp - Sở GTCC Hà Nội cho biết, trong đề án chống ùn tắc của Hà Nội cũng nêu ra biện pháp tăng phí, thu phí, hạn chế xe ngoại tỉnh, nhưng để làm được rất khó.

Còn ở TP.HCM, theo Phó Giám đốc Sở GTCC Dương Hồng Thanh, từ năm 2004, thành phố đã có đề án tổ chức lại giao thông, và có nghị quyết liên tịch buộc đi xe công cộng nhưng chưa thực hiện được. TP.HCM từng đề xuất thu phí lưu thông xe ôtô con dưới 10 chỗ là 10 triệu đồng/năm, xe ôtô đăng ký mới là 15 triệu đồng/năm; xe gắn máy dưới 50 phân khối là 200.000 đồng/năm, xe đăng ký mới là 400.000 đồng/lần…

Tuy nhiên, đến nay những biện pháp này vẫn chỉ nằm trong… văn bản!

Chưa đủ cơ sở pháp lý

Một vấn đề khác được nêu ra là các đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân mà Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Theo ông Trần Văn Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho đến nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định về thu phí giao thông. Thậm chí, một số ý kiến khác cho rằng, giải pháp này trái với các quy định hiện hành. Nếu áp dụng thu phí thì có thể thực hiện như một số nước là bán tem lưu hành để dán lên xe. Nhưng để làm được điều này thì Chính phủ cần ra một chỉ thị để áp dụng tạm thời.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Minh Hiền lại khẳng định, việc tăng phí đăng ký không trái với quy định Pháp lệnh Phí và lệ phí. Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể ban hành được quy định về vấn đề này, không cần phải đưa ra Quốc hội. Tất nhiên, do chưa có quy định về loại phí này nên phải trình lên Chính phủ mới quyết định được. Thận trọng hơn, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh nói, các biện pháp trên “mới chỉ là đề xuất sơ sài của Cục Đường bộ Việt Nam”.

Tường Minh