Lật tẩy mưu đồ đen tối dưới vỏ bọc tổ chức “Công đoàn độc lập Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong chiến lược diễn biến hòa bình xuyên suốt để chống phá Đảng, chế độ ta, các thế lực thù địch, phản động thời gian qua đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động tham gia cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập Việt Nam” mà núp đằng sau đó là một mưu đồ chính trị đen tối, hiểm độc.
Cái gọi là Công đoàn độc lập hay nghiệp đoàn độc lập Việt Nam chỉ là vỏ bọc cho mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta

Cái gọi là Công đoàn độc lập hay nghiệp đoàn độc lập Việt Nam chỉ là vỏ bọc cho mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta

Ráo riết hòng hình thành cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam”

Các thế lực thù địch, phản động cùng những đối tượng chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị luôn tìm trăm phương ngàn kế hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một trong những mũi tấn công chính mà chúng thường sử dụng là nhen nhóm các hội nhóm, tổ chức từ các hội nhóm, thoạt nghe có vẻ “bình thường” về xã hội, nghề nghiệp… đến các tổ chức mang hơi hướng chính trị, đặc biệt là tổ chức bất hợp pháp, chống đối gắn với các từ như “độc lập”, “dân chủ”, “nhân quyền”… nhằm tới các mục đích chống phá sâu xa.

Điểm qua thấy một số tổ chức tự xưng danh “độc lập”, “dân chủ”, “nhân quyền” như: Hội nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập, Hội anh em dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền, Tù nhân lương tâm... đua nhau mọc lên dưới những hình thức khác nhau. Trong số đó, thấy có cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập Việt Nam” xuất hiện sau khi Quốc hội nước ta ngày 20-11-2019 thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bộ luật này cũng có quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.

Những quy định mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là những điểm mới, phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta trong tiến trình hội nhập và mở cửa. Tuy nhiên, những điểm mới này cũng ngay lập tức bị các thế lực thù địch, phản động cùng các phần tử chống đối, cơ hội chính trị trong nước lợi dụng nhằm tới các mục đích xấu xa, đen tối.

Thoạt tiên, nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với chúng ta trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất là Nghị định quy định về quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình thành tổ chức đối lập với tổ chức Công đoàn của hàng chục triệu đoàn viên trong nước hiện nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Họ thậm chí còn công khai lộ trình gồm 4 giai đoạn: 1- Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động; 2- từng bước tác động để người lao động thay đổi nhận thức và đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động; 3- hình thành cái gọi tổ chức “Công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam; 4- khi đa nguyên công đoàn thì Việt Nam sẽ đa nguyên về chính trị. Mục đích chống phá lộ rõ khi chúng đặt mục tiêu trước mắt là đến năm 2025 sẽ xuất hiện mô hình “Liên hiệp các tổ chức người lao động” tại Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và xóa bỏ vai trò mà chúng cho là “độc tôn” của tổ chức Công đoàn của hàng chục triệu công nhân, người lao động này.

Để thực hiện mục đích đen tối, các thế lực phản động, thù địch, phần tử cơ hội chính trị ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động thành lập các hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp trên lĩnh vực lao động, công đoàn tại các địa phương hòng chuẩn bị cho sự ra đời của cái gọi là “Công đoàn độc lập” tại Việt Nam. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố Việt Tân đã công khai toan tính thành lập các “nghiệp đoàn độc lập” ở trong nước với 3 giai đoạn.

Núp bóng nghiệp đoàn để chống phá

Đã rõ mưu đồ đen tối đằng sau việc các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị trong việc ráo riết xúc tiến cho sự ra đời của cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập” tại Việt Nam. Mưu đồ chống phá càng lộ rõ hơn khi chúng tìm cách thúc đẩy hình thành các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn theo kiểu “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” ở nước ta; thành lập các “công đoàn độc lập” trong các cơ sở của tôn giáo, trường học, bệnh viện, công ty, xí nghiệp… Đồng thời với đó, chúng còn kích động các đối tượng chống phá, bất mãn, cơ hội chính trị ở trong nước móc nối, phát triển lực lượng nhằm hình thành các hội, nhóm, “nghiệp đoàn độc lập” trong công nhân, người lao động hòng tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật như đình công, lãn công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự…

Những gì mà các thế lực phản động, thù địch đang làm hòng cho ra đời cái gọi tổ chức “Công đoàn độc lập” ở Việt Nam cho thấy chúng đang muốn tái hiện điều mà “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” đã làm được tại quốc gia Đông Âu này những năm 1980. Khi đó, “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” với vai trò hạt nhân đã tổ chức các hoạt động dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989.

Tại nước ta, với tham vọng thành lập cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập Việt Nam”, chúng cũng toan tính từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ… Mưu đồ sâu xa của chúng là nhằm hình thành các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập trong nội địa nhằm tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.

Thế nhưng, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” chắc chắn thất bại bởi tổ chức này chẳng quy tụ được người công nhân hay người lao động nào tham gia.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về các tổ chức đại diện và bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho công nhân, người lao động là hết sức rõ ràng, tiến bộ. Đó là bảo đảm quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống các tổ chức đại diện người lao động lành mạnh, song hành cùng hệ thống Công đoàn Việt Nam, cùng thực hiện đồng bộ, thống nhất chức năng, nhiệm vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động.

Trong khi đó, lịch sử đã chứng minh và chứng tỏ vai trò, vị trí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn đang đại diện cho hơn 10,5 triệu đoàn viên trong tổng số 14 triệu công nhân, người lao động đang làm việc trên cả nước hiện nay. Kể từ khi thành lập năm 1929 tới nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử song luôn khẳng định được vai trò, sứ mệnh lịch sử là tổ chức Công đoàn luôn đấu tranh, bảo vệ và đại diện cho lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động; đã chứng tỏ là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Toan tính hình thành bất cứ tổ chức mang danh “công đoàn”, “đại diện người lao động” nhưng không bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động mà chỉ nhằm mục đích chống phá như cái gọi là “Tổ chức Công đoàn Việt Nam” thì chắc chắn không thể là một tổ chức chính danh, hợp pháp. Đó chính là âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và làm bất ổn đời sống nhân dân ta. Vì vậy, nó không thể thay thế tổ chức Công đoàn đã đồng hành với giai cấp công nhân, người lao động trong hơn 90 năm qua.