Lập quỹ hàng chục tỷ chi tiêu, cựu lãnh đạo Ban quản lý Nghi Sơn lĩnh án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trưởng Ban quản lý dự án cùng kế toán trưởng bàn bạc lập “quỹ đen” chi tiêu và nhân viên kế toán mới ra trường tuân lệnh “sếp” cũng phải vào tù.

Dùng tiền dự án gửi ngân hàng lấy lãi tiêu

Sau phiên tòa phải trì hoãn cách đây không lâu, trong các ngày 29 và 30-9, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xử vụ án lập quỹ trái phép, xảy ra tại Ban quản lý Dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (gọi tắt là Ban QLDA Nghi Sơn) – đơn thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Các bị cáo bị đưa ra xét xử là Trần Khắc Hiệp (SN 1957) – cựu Trưởng Ban QLDA Nghi Sơn; Lê Xuân Hoàng (SN 1962) – cựu Kế toán trưởng Ban QLDA Nghi Sơn và Nguyễn Mạnh Tấn (SN 1981) – cựu nhân viên phòng Kế toán Ban QLDA Nghi Sơn.

Bị cáo Trần Khắc Hiệp (ngoài cùng, bên phải) và đồng phạm tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2008 – 2011, ông Tôn Anh Thi được giữ chức Trưởng ban QLDA Nghi Sơn và từ năm 2011, Trần Khắc Hiệp lên thay thế. PVN giao nhiệm vụ và chuyển tiền cho Ban QLDA xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cho liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trước khi thanh toán cho các nhà thầu phụ, Tôn Anh Thi và Trần Khắc Hiệp dùng tiền vốn để gửi vào Ngân hàng TMCP Quân đội tại Thanh Hóa (MB Thanh Hóa) và Ngân hàng TMCP Đại Dương, chi nhánh Thanh Hóa (OceanBank Thanh Hóa). Qua đây, các ngân hàng này trả cho Ban QLDA số lãi hơn 20 tỷ đồng nhưng nguồn tiền này bị bỏ ngoài hệ thống sổ sách kế toán để chi tiêu.

Cơ quan truy tố xác định, giai đoạn 2010 – 2011, Ban QLDA Nghi Sơn thu hơn 1,1 tỷ đồng tiền lãi tại MB Thanh Hóa nhưng chỉ có hơn 300 triệu đồng được hạch toán đúng quy định. Hơn 813 triệu đồng còn lại bị để ngoài sổ sách.

Năm 2011 – 2015, khi bị cáo Trần Khắc Hiệp lên làm Trưởng ban, Ban QLDA Nghi Sơn tiếp tục nhận hơn 14,8 tỷ đồng tiền lãi từ MB Thanh Hóa nhưng các bị cáo vụ án tự ý chi tiêu hơn 14,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trần Khắc Hiệp còn gửi hơn 300 tỷ đồng của Ban QLDA Nghi Sơn vào OceanBank Thanh Hóa, thu hơn 6 tỷ đồng tiền lãi. Trong đó, hơn 1,3 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của Ban QLDA và hơn 4,7 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Lê Xuân Hoàng.

Làm trái chỉ đạo “sếp” sẽ bị đuổi việc?

Tại tòa, các bị cáo Hiệp, Hoàng khai đã dùng hơn 19,2 tỷ đồng nói trên cho công tác đối nội, đối ngoại của Ban QLDA và chi cho một số lãnh đạo, cán bộ các đơn vị liên quan việc xây dựng. Dù vậy những người này nói không nhận tiền và các bị cáo không gì để chứng minh.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn kêu oan, đồng thời khẳng định không được bàn bạc, thỏa thuận hoặc được hưởng lợi gì từ việc gửi tiền vào ngân hàng rồi nhận lãi ngoài. Bị cáo này khai, thời điểm 2009, bản thân là sinh viên mới ra trường và vào làm việc ngay tại Ban QLDA Nghi Sơn nên chỉ biết làm theo hợp đồng lao động và nếu không thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo sẽ bị đuổi việc.

Nguyễn Mạnh Tấn cho rằng, việc anh ta có các chữ ký tại một số văn bản của ngân hàng chỉ là để xác nhận số tài khoản của Ban QLDA và nếu không có các chữ ký này thì phía ngân hàng vẫn chi tiền lãi bình thường. Bị cáo Tấn tỏ ra “không phục” khi bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho các “sếp” vì anh ta cho rằng việc nhận tiền, giữ tiền và chi tiền là theo chỉ đạo của cấp trên.

Khai báo tại tòa, cựu nhân viên kế toán Ban QLDA Nghi Sơn cũng tỏ rõ sự không thể hiểu là vì sao bỗng dưng lại có tên trong giấy giới thiệu là người đứng ra rút tiền lãi từ ngân hàng. Trong khi ngân hàng đã mang tiền lãi đến tận phòng làm việc của Trưởng ban QLDA Nghi Sơn.

Bào chữa cho bị cáo Tấn, luật sư nêu quan điểm, thân chủ của mình không thể là đồng phạm với bị cáo Hiệp và Hoàng vì không bàn bạc, hưởng lợi hoặc biết nguồn gốc số tiền lãi từ đâu mà có. Cũng theo luật sư, cơ quan truy tố đã không làm rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ án và trách nhiệm của phía ngân hàng khi chi trả tiền lãi.

“Việc ông Tôn Anh Thi được đình chỉ, không phải chịu trách nhiệm hình sự là thiếu công bằng với các bị cáo khác vì chính ông này là người đề ra chủ trương gửi tiền để lấy lãi” – vị luật sư chỉ rõ.

Quá trình truy tố, tranh luận và đối đáp tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ nguyên quan điểm truy tố cựu lãnh đạo Ban QLDA Nghi Sơn Trần Khắc Hiệp và đồng phạm về tội “Lập quỹ trái phép”.

Không nhận tội do không nhận thức được hành vi

Sau 2 ngày xử án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội xác định ông Tôn Anh Thi và 3 bị cáo trong vụ có hành vi gửi tiền nhà nước vào ngân hàng để lấy lãi, rồi tự ý chi tiêu, không hạch toán vào sổ sách. Hành vi này vi phạm quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước...

Trong đó, bị cáo Trần Khắc Hiệp là người chỉ đạo và trực tiếp ký 66 hợp đồng tiền gửi nên giữ vai trò chính. Bị cáo Lê Xuân Hoàng trực tiếp bàn bạc với bị cáo Hiệp, là người quản lý tiền và chi tiêu 19,2 tỷ đồng tiền lãi. Do đó, vai trò của hai bị cáo này ngang nhau.

Tòa án Hà Nội cũng khẳng định, bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn không được bàn bạc việc gửi tiền nhưng đã tiếp nhận ý chí từ cấp trên, đồng thời trực tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng tiền lãi, rồi quản lý theo chỉ đạo của Hiệp và Hoàng nên là đồng phạm giúp sức. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Tấn cũng như quan điểm từ luật sư bào chữa. Tại tòa, Hiệp khai nhận hành vi nhưng cho rằng không phạm tội như truy tố là do nhận thức hạn chế của bị cáo.

Với ông Tôn Anh Thi, HĐXX nhìn nhận, ông này phạm tội “Lập quỹ trái phép” nhưng quá trình điều tra cho thấy cựu Trưởng Ban QLDA Nghi Sơn đã dùng 813 triệu đồng để chi trả cho 2 gia đình nạn nhân bị thiệt mạng khi giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

PVN cũng xác nhận ông Thi có báo cáo phù hợp quy chế. Mặc khác, toàn bộ lãi từ 15 hợp đồng tiền gửi ông Thi ký là hơn 1,1 tỷ đồng đã được nộp khắc phục toàn bộ. Từ đó, Viện KSND Tối cao quyết định đình chỉ bị can với Tôn Anh Thi nên tòa án không xem xét.

Sau cùng, xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Khắc Hiệp, Lê Xuân Hoàng cùng mức án 4 năm tù và Nguyễn Mạnh Tấn 2 năm tù, đều về tội “Lập quỹ trái phép”.

Về dân sự, Tòa án Hà Nội tuyên buộc bị cáo Hiệp phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng và được đối trừ hơn 7 tỷ đồng đã nộp; bị cáo Hoàng phải bồi thường hơn 9,2 tỷ đồng cho PVN. Đối với bị cáo Tấn, do không có vai trò trong việc chi tiêu “quỹ đen” nên tòa án không buộc phải bồi thường.