Làng giải trí Việt 2011: Sự bận rộn dễ dãi...

ANTĐ - Năm 2011 đang dần trôi về những ngày cuối cùng. Một năm bận rộn đã khép lại với showbiz Việt. Nhìn lại, chẳng thấy gì ngoài những cụm từ “dễ dãi”.

Nếu có nói đó là “từ khóa” cho năm vừa rồi, sợ rằng hơi chụp mũ, nhưng nếu có nói, đa phần thì cũng chẳng sai.

Liên hoan phim dễ dãi tôn vinh

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (LHPVN) vừa mới kết thúc cách đây mấy ngày. Cũng như mọi kì trước, mọi người lại hoan hỉ đến rồi... hậm hực về. Nói là hậm hực vì năm nào cũng vậy, các thể loại LHP tại VN luôn mang tính chất “hội làng” là chính. Mà đã là hội làng thì thế nào cũng được, kiểu gì cũng xong, nó dễ dàng đến độ những “nghệ sĩ nửa mùa” cũng được tôn vinh là “có công đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà”. Chính xác đó chính là Phi Thanh Vân và Minh Thư.

Phi Thanh Vân là một gương mặt truyền hình, cô nổi lên nhờ một vai diễn “chẳng khác bản thân ngoài đời” là mấy trong một serie phim truyền hình mua lại bản quyền nước ngoài. Sau đó lại tiếp tục là những thảm họa khác trong điện ảnh như Lệnh xóa sổ vật vờ như một bóng ma, Cô dâu đại chiến chỉ là một vai phụ giỏi khoe thân trong những cảnh giường chiếu, tiếp tục là một vai phụ lãng nhách khác trong bộ phim dở nhất từ trước đến nay của Charlie Nguyễn - Long Ruồi và cuối cùng là lướt qua màn hình với vai phụ khác trong Cột mốc 23. Chừng đó sự “đóng góp”, chừng đó sự “cống hiến” mà được tôn vinh chẳng phải dễ dàng quá hay sao. Có lẽ bà Ngô Phương Lan không dám liệt kê Cô gái xấu xí vào điện ảnh vì nó là truyền hình, chứ nếu dám thì chắc “bảng vàng thành tích” của Phi Thanh Vân sẽ “thuyết phục” hơn rất nhiều.

Kế đến là Minh Thư. Cả đời Minh Thư được “nhõn” có vai Hạnh trong “Gái nhảy”. Câu chuyện đó cũng đã qua đi từ hơn 10 năm trước. Sau đó chỉ là chuyện cô lấy chồng, sinh được con, hạnh phúc, đóng phim trở lại (lại là truyền hình). Chấm hết. Mọi người nói vui với nhau là có những lí do để hai nhân vật trên được tôn vinh. Thứ nhất, họ là những diễn viên nóng bỏng, sexy với những vòng 1, vòng 3 hấp dẫn. Thứ hai, họ đã cất công lặn lội ra tận Phú Yên thì hà cớ gì không được “vinh danh”. Thứ ba, sự nghiệp của họ cũng chưa có giải thưởng gì danh giá thì tiếc chi một tấm bằng khen. Tỉ mỉ hơn chút nữa, có đến 1000 lí do khác nhau nhưng thôi, liệt kê nữa sẽ làm người trong cuộc “tổn thương”. Vậy nên, dừng lại và chờ đợi họ cống hiến ra sao. Nếu họ cống hiến ít cũng chẳng bất ngờ vì có gì nữa khác đâu mà cống hiến.

Cũng lại vẫn là LHPVN thì việc Mỹ Hạnh được vinh danh cho giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất bằng vai diễn trong “Vũ điệu đam mê” làm mọi người “sững sờ và sửng sốt”. Một vai diễn hầu như chẳng ấn tượng gì, ra rạp được vài ngày là quên ngay, vậy mà được giải thưởng “cao quý” như vậy. Theo lời ông trưởng BGK thì cô gái đó diễn xuất sinh động, được 9/9 phiếu bầu còn Ninh Dương Lan Ngọc thì “một màu” hơn. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sự hồ đồ của BGK rồi. Chẳng nhẽ, BGK lại cho rằng khán giả Việt Nam, báo giới Việt Nam, những người yêu điện ảnh Việt Nam đã từng xem hai bộ phim đó không nhận ra giá trị của cô diễn viên Mỹ Hạnh và không thấy cả sự “một màu” của Lan Ngọc trong “Cánh đồng bất tận” mà phải đến phiên ông “định hướng” lại? Một giải thưởng thực sự tốt khi nó vinh danh đúng người chứ nó không phải là một thứ phù hiệu đeo trên ngực được ban phát tùy tiện.

Cái sự đáng trách nhất của BTC và BGK là họ chẳng thèm quan tâm công chúng nói gì, báo giới nói gì và cứ trao giải một phách khác để sao cho mọi chuyện “đẹp vẹn toàn”. Vậy thì, nếu có một ngày báo giới quay lưng lại, khán giả sẵn sàng chuyển kênh (thực tế đã là như vậy) nếu đang có lễ phát giải thì hãy “tiên trách kỉ hậu trách nhân” trước đã. Một giải thưởng quốc gia (một điều kiện để xét tặng NSƯT - NSND) mà được trao như vậy thì xem ra cũng cần xem lại những giá trị “ưu tú” và “nhân dân”.

Đơn giản chuyển nghề

Gameshow “Cặp đôi hoàn hảo” vừa kết thúc cách đây gần tháng. Dư luận lại được phen dậy sóng vì những lùm xùm quanh chương trình. Dẫu vậy, không thể phủ nhận đây là một chương trình thành công. Và sau chương trình, điều lớn nhất đọng lại là sự “dễ dàng chuyển nghề” của những người chơi.

Phi Thanh Vân ngôi sao nhiều "chiêu".

Phạm Văn Mách là một lực sĩ. 10 năm đóng góp cho thể thao Việt Nam bằng đủ các giải thưởng nhưng cuối cùng lại chọn một con đường khác hẳn - đi hát. Anh nói rằng, 10 năm thể thao không bằng vài ba tuần xuất hiện trên truyền hình. Phát ngôn đó cho thấy sự háo thắng và kém hiểu biết về khán giả của chính Phạm Văn Mách. Cái tên của anh không phải là một dạng tên tuổi người ta nhắc đến hàng ngày, hàng giờ như những ngôi sao giải trí nay tụt quần, mai tụt áo. Cái tên của anh có một vị trí nhất định trong lịch sử thể thao nước nhà mà không ai có thể quên hoặc bớt tự hào về những thành tích anh đã đạt được. Giống như những người khác như Lý Đức chẳng hạn, chẳng bao giờ thấy “người đàn ông thép” của Việt Nam kêu ca đến nửa lời về chuyện báo giới ít nhắc nhưng nếu đã nhắc thì đó luôn là những mỹ từ đẹp nhất ngợi ca về sự đóng góp, cống hiến và thúc đẩy cả một bộ môn thể thao nước nhà. Điều mà Phạm Văn Mách đang làm là gián tiếp nói rằng tôi dùng bàn đạp thể thao để xâm nhập thị trường showbiz. Điều đó chẳng sai, chẳng ai cấm nhưng cách mà anh nói ra bằng cách so sánh về thời gian, về môi trường công việc khiến người khác cảm thấy bị tổn thương về chuyện anh đã coi thường tình cảm mà họ dành cho anh. Phạm Văn Mách nên nhớ rằng thể thao luôn khác showbiz. Nếu thể thao đề cao sự hào sảng, phóng khoáng thì showbiz luôn ẩn chứa những âm mưu, những giành giật và cũng sẽ chẳng bất ngờ nếu 1 ngày nào đó Phạm Văn Mách buồn về những gì mình đã vấp trên hành trang “nghệ sĩ hóa” một “lực sĩ vĩ đại”.

Hà Anh đã chính thức lấn sân để trở thành một ca sĩ. Mọi tuyên ngôn trước đó của cô là không tận dụng hình thể của một người mẫu để trở thành sự cuốn hút cho nghề mới. Nhưng thực chất mọi chuyện lại diễn ra ngược hẳn. Ngay từ cái tên bài hát đã nhắm vào chuyện đó - Model - take my pictures. Rồi cả cái MV cũng toàn những hình ảnh sexy về đường cong, về đôi chân, về những bộ bikini và về cả cảnh khỏa thân tắm trong bồn gỗ. Rõ ràng, Hà Anh đang khai thác triệt để phần cơ thể mình để tiến thân con đường ca hát như một cách che đậy sự hạn chế về giọng hát của cô. Vậy mà, có tờ báo mạng đã “hồ đồ” viết một bài báo: Hà Anh sẽ sớm soán ngôi Hà Hồ. Một sự so sánh đến mức nực cười và có phần thể hiện sự ngô nghê của người viết.

Sự dễ dàng phỏng đoán, suy diễn về vị trí - khả năng của Hà Anh tại thời điểm này vẫn còn quá sớm để nói lên điều đó. Còn Hà Hồ thì dù sao cũng đã khẳng định được mình bằng một chặng đường ca hát gần 5 năm qua với sự giúp sức của một ekip đã từng được gọi là chuyên nghiệp nhất Việt Nam về mọi mặt. Hơn nữa, đơn giản một điều, ca khúc của Hà Anh vẫn chưa được đánh giá cao, chưa thành “hit” thì lấy gì mà soán? Bằng cơ thể chắc? Cũng đừng quên, Hà Hồ cũng có một cơ thể đẹp không kém. Nhan sắc à? Và cũng đừng quên, Hà Anh có một nhan sắc “lạc loài và lạc thời”.

Thêm nữa là Khánh Thi. Đang từ vị trí một kiện tướng dance sport hàng đầu Việt Nam, Khánh Thi ngấm men say của showbiz và vội vàng chuyển nghề sau một vài lần ngồi làm giám khảo mấy cuộc thi nhảy. Việc bạn yêu ca hát là một chuyện còn việc bạn đi hát chuyên nghiệp như một ca sĩ lại là một chuyện khác. Đó là chúng ta còn chưa nói đến chuyện những “nghệ sĩ” của chúng ta dễ dàng “phán xét” người khác trong năm qua nữa. Đó là một điều hết sức tế nhị, thiếu khiêm tốn và dễ dàng cho người khác thấy sự thiếu bình tĩnh của người trong cuộc. Mong rằng, năm mới đến, sự dễ dãi, dễ dàng cũng sẽ bớt hơn, dành cho những sự nghiêm túc, cẩn trọng được tỏa sáng không thì lại như bà Ngô Phương Lan tuyên bố: Không mời những “tạp nham” tham dự LHP nhưng lại tôn vinh những đại diện “thảm họa”.

Phạm Văn Mách bỗng dưng nổi tiếng

Ca sĩ - trước hết và sau cùng - phải là một người hát hay, hát tốt và làm được những điều hơn người bình thường bằng giọng hát của họ. Còn nếu chỉ gọi là “hát hơn karaoke” một chút thì cũng chẳng có gì gọi là quá đặc sắc. Sự dễ dàng ngộ nhận bản thân mình về những điều mà nghề này mang lại cũng sẽ là một điều “đau đớn” hơn trong mắt đại bộ phận là họ chỉ những người đi hát tàm tạm mà chẳng bao giờ có thể bứt lên được với những gì họ đang có.

Có thể đúng là họ cho khán giả điều khán giả muốn (tại thời điểm này) nhưng đến một ngày nào đó khán giả không còn muốn điều họ đang có nữa thì sao đây? Họ có dễ dàng bỏ nghề hay vội vàng đi tìm hiểu xem khán giả muốn gì (tại thời điểm đó) để lại thay đổi mình lần nữa? Sự dễ dàng lựa chọn, dễ dàng quyết định và luôn chạy theo khán giả sẽ chỉ thấy một hình ảnh người nghệ sĩ dễ dàng với chính bản thân họ, không biết đâu là thế mạnh, đâu là hạn chế và cứ quay mòng mòng trong chính những gì họ tưởng là họ giỏi nhưng kì thực lại không phải vậy.

Sự dễ dàng ở showbiz Việt nếu có nói nữa, từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác thì may ra mới nói hết được. Sự dễ dàng đến độ nhiều khi nhìn vào việc Phạm Văn Mách, Quách Ngọc Ngoan, Trấn Thành đi hát, đôi khi chúng ta tự hỏi: Đi thi Vietnam Idol, Sao Mai Điểm Hẹn hay đi thi gameshow sẽ nhanh thành ca sĩ nổi tiếng hơn? Giải nhất Sao Mai với học thuật đầy người chắc gì đã hơn một người tham gia gameshow chẳng biết một nốt nhạc.