- Phòng, chống tham nhũng: Làm quyết liệt, rõ đến đâu, xử đến đấy
- Lắng nghe, tìm hiểu bức xúc của dân để xây dựng luật sát thực tiễn
- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng
- PV: Là một ĐBQH từng có những phát biểu rất mạnh mẽ về vấn đề phòng chống tham nhũng trước nghị trường Quốc hội và ngay cả sau khi đã về hưu, ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện kê khai tài sản hiện nay?
- Ông Lê Văn Cuông: Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Biện pháp này đã dần đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị những năm gần đây. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay còn mang nặng tính hình thức.
Chúng ta mới chỉ “kê” nhưng chưa “khai”, vì sau khi yêu cầu cán bộ kê khai tài sản xong rồi lại cất lưu vào hồ sơ lưu trữ chứ rất ít công khai trước cơ quan, đơn vị, càng chưa nói tới việc công khai tại nơi cư trú. Từ trước tới nay chúng ta cũng gần như chưa có bất cứ một cơ quan chuyên biệt nào được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát xem bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức có đúng hay không, nghĩa là vẫn hoàn toàn trông chờ vào ý thức tự kê khai của người phải kê khai.
Theo tôi được biết, ở nước ta có khoảng trên dưới 5 triệu cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, có bản kê khai đang được quản lý, song tôi nhớ không nhầm thì số bản kê khai của cán bộ được xác minh đếm chưa hết đầu ngón tay và chúng ta chỉ xác minh bản kê khai của một cán bộ nào đó khi có vấn đề nghi vấn kê khai thiếu trung thực, khi có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện. Đến nay cũng mới chỉ có vài trường hợp bị phát hiện, xử lý vì kê khai thiếu trung thực.
- PV: Việc bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, theo ông sẽ tạo ra bước chuyển biến như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta?
- Ông Lê Văn Cuông: Tôi theo dõi và rất phấn khởi khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII lần thứ 3 vừa qua đã đặt quyết tâm chính trị cao, quyết tạo ra một bước tiến lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng, cụ thể là giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quy chế này được thông qua, trước hết, những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - những người đứng đầu tổ chức Đảng của Nhà nước ở Trung ương sẽ phải gương mẫu trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Quan trọng hơn, từ nay, việc kê khai tài sản của cán bộ đã có một cơ quan cụ thể được phân công, được giao cho quyền kiểm tra, giám sát. Từ nay, việc kê khai tài sản của cán bộ không phải chỉ là kê khai rồi cất vào tủ hồ sơ nữa mà có thể bị đem ra kiểm tra, xác minh bất cứ lúc nào, và đương nhiên nếu kiểm tra phát hiện cán bộ kê khai không trung thực sẽ phải có chế tài xử lý. Đối với những cán bộ có “nghi vấn” hay có nhiều đơn thư khiếu nại, bị dân phản ánh, việc kê khai tài sản sẽ được xử lý một cách minh bạch, góp phần quan trọng phòng ngừa, phát hiện và chống tham nhũng.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ chống ở cán bộ lãnh đạo cấp cao mà trong toàn xã hội. Không phải Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng trên dưới 500 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì có nghĩa những cán bộ ở cấp dưới, ở địa phương sẽ “lọt lưới”.
Căn cứ vào Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và lấy đó làm gương, Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy… cũng sẽ triển khai việc giám sát, kiểm tra kê khai tài sản với cán bộ thuộc diện quản lý của mình… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là lý thuyết, hiệu quả thực sự ra sao thì trước mắt vẫn phải chờ.
- PV: Theo ông việc bổ sung quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương như trên liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân chưa?
- Ông Lê Văn Cuông: Đã có một bước tiến lớn nhưng chắc chắn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất trong kê khai tài sản vẫn là phải công khai, minh bạch. Đã “kê” là phải “khai”, còn kê nhưng chưa công khai, có kiểm tra giám sát nhưng chưa công khai thì chắc chắn vẫn sẽ có những trường hợp sai phạm “lọt lưới”. Chỉ có công khai bản kê khai tài sản để nhân dân nơi cán bộ cư trú biết và cùng kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện kê khai chưa trung thực sẵn sàng tố cáo thì việc này mới thực sự là phòng chống tham nhũng.
- PV: Cảm ơn ông!