"Lạm phát" thi sắc đẹp: Thừa "lùm xùm", thiếu văn hóa

ANTD.VN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, hiện có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức nhưng dư âm để lại chủ yếu là…“lùm xùm”.

Những ngày qua, dư luận xuất hiện nhiều ồn ào liên quan đến chuyện tân Hoa hậu Cuộc thi Hoa hậu Đại dương từng phẫu thuật thẩm mỹ, vi phạm quy chế thi. Vậy vì sao để xảy ra việc này và trách nhiệm thuộc về ai? Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô xung quanh vấn đề này.

"Lạm phát" thi sắc đẹp: Thừa "lùm xùm", thiếu văn hóa ảnh 1Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng

- PV: Ông nhìn nhận thế nào về chất lượng của Cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 tổ chức vừa qua?

- Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Với mỗi một cuộc thi, việc cấp phép và tổ chức phải làm thế nào để đảm bảo được chất lượng, để cuộc thi có ý nghĩa. Riêng với các Cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp, phải đảm bảo được 2 yếu tố là tính giải trí và tính định hướng về mặt văn hóa, thẩm mỹ cho công chúng. Thế nhưng, theo dõi Cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 hay một số cuộc thi sắc đẹp gần đây, tôi thấy các cuộc thi dường như mới chỉ đạt được một nửa yêu cầu đặt ra, đó là mới chỉ quan tâm đến tính giải trí. Những vụ việc hay luồng dư luận “lùm xùm” quanh mỗi cuộc thi, ở một khía cạnh nào đó có thể nói cuộc thi cũng đã tác động được đến yếu tố giải trí. Thế nhưng, ở khía cạnh còn lại là tính định hướng công chúng về mặt thẩm mỹ, văn hóa thì trong các cuộc thi sắc đẹp gần đây lại rất mờ nhạt.

- Số lượng các Cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp được tổ chức đang tăng rất nhanh với nhiều tên gọi na ná như Hoa hậu Đại dương và Hoa hậu Biển… Phải chăng việc cấp phép tổ chức quá dễ dãi, thưa ông?

- Trong đời sống xã hội, chúng ta cần thiết phải có các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, số lượng các cuộc thi là bao nhiêu, cấp phép cho các cuộc thi nào, với quy mô tính chất ra sao và tổ chức trong thời gian nào... là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Qua những “lùm xùm” xung quanh các Cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem lại quy trình cấp phép tổ chức cuộc thi nhằm đảm bảo các cuộc thi thực sự có ý nghĩa, có giá trị. 

Dư luận hoàn toàn có quyền băn khoăn, đặt ra các câu hỏi khi gần đây có khá nhiều cuộc thi mà tính chất, tên gọi na ná nhau được tổ chức trong cùng một thời điểm hoặc cách nhau chỉ một thời gian rất ngắn. Việc quá nhiều cuộc thi trong một thời điểm như vậy thì chất lượng không thể cao, không thể cuộc thi nào cũng thu hút được nhiều thí sinh xuất sắc. Khâu tổ chức và định hướng tuyên truyền cũng sẽ khó khăn. 

Cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm phê duyệt và cấp phép phải chặt chẽ hơn trong việc lựa chọn những cuộc thi phù hợp, chất lượng. Vấn đề quan trọng nữa là phải tăng cường hậu kiểm chứ không phải cấp phép xong rồi để mặc đơn vị tổ chức muốn làm thế nào cũng được.

- Ông đánh giá thế nào về công tác hậu kiểm và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức gần đây?

- Công tác hậu kiểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta chủ yếu tập trung vào tiền kiểm, tức là làm sao việc cấp phép được thực hiện đúng quy trình, quy định, còn dường như có sự buông lỏng kiểm soát, quản lý từ cơ quan quản lý việc thực hiện giấy phép đó. Chẳng hạn với Cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017, có rất nhiều “lùm xùm”, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng cô Hoa hậu đoạt giải không thuyết phục, thậm chí đã từng có phẫu thuật thẩm mỹ, vi phạm quy chế cuộc thi. Trách nhiệm thuộc về cả thí sinh và Ban tổ chức cuộc thi. 

Trước hết, quy chế cuộc thi không cho phép những thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ tham gia thi. Thực hiện đúng quy chế đó thì Ban tổ chức phải có chuyên gia để kiểm tra. Nếu để lọt các thí sinh vi phạm quy chế thi hoặc phát hiện ra rồi nhưng không xử lý, vẫn cho đoạt giải cao thì đó là lỗi, trách nhiệm của Ban tổ chức. Còn thí sinh đương nhiên cũng có lỗi, có trách nhiệm bởi đó là cố ý vi phạm quy chế cuộc thi. Cũng từ các lỗi đó sẽ dẫn tới mất công bằng trong cuộc thi, xa hơn sẽ làm mất đi chân lý của các cuộc thi sắc đẹp - đó là tính định hướng về văn hóa, thẩm mỹ cho công chúng.

Tôi cho rằng, phải cân nhắc giảm bớt số lượng các cuộc thi sắc đẹp ở nước ta hiện nay, nhất là các cuộc thi được tổ chức trong cùng một thời gian hay cùng một địa bàn để tập trung vào chất lượng.

“Qua những “lùm xùm” xung quanh các Cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem lại quy trình cấp phép tổ chức cuộc thi nhằm đảm bảo các cuộc thi thực sự có ý nghĩa, có giá trị”.

Ông Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)