Làm gì có chuyện ấy?

ANTĐ - Sự việc một ông Chủ tịch xã ở Hà Nội đang đi nghỉ mát mà vẫn “phân thân” có mặt trong phòng thi làm xôn xao dư luận mấy ngày hôm nay. Chẳng là trong khi ông đi nghỉ mát ở tận Sầm Sơn vào đúng dịp thi, thì trong phòng thi vẫn có người mang tên ông, số báo danh của ông ngồi thi. Vụ việc bị phát hiện, nhưng ông Chủ tịch lại bảo là ông không hề biết gì về việc này. Dư luận thì cứ khăng khăng rằng làm gì có chuyện ấy! Người đi thi hộ ông mà ông lại không biết. Vậy là sao?

Sự “xôn xao” của dư luận, cũng như cái việc thi hộ ở trên hiện giờ không phải là chuyện hy hữu, nếu như không muốn nói là phổ biến. Câu chuyện học hộ, thi thuê không đơn giản chỉ liên quan đến phẩm chất, năng lực của người cán bộ, mà sâu xa nó phản ánh cả một xã hội ưa bằng cấp, thiếu thực chất, và trên hết là công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ nhiều bất cập, một xã hội trọng bằng cấp, xem nhẹ chuyên môn. 

Ai đời cái chuyện nhờ người học hộ, thi thuê lại có thể rao ra rả ở bất cứ đâu, thậm chí trên các trang mạng xã hội người ta cũng công khai chào mời dịch vụ “học hộ, thi hộ”. Nhiều trường ồ ạt mở các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa chỉ vì mục đích thu tiền mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo và quản lý học viên, thế nên người có nhu cầu bằng cấp cứ ung dung nhờ người học, người thi. Đi thi xong, có bằng xong thế là nghiễm nhiên ngồi vào những chỗ không xứng đáng với mình.

Còn ở các cơ quan công quyền, cứ mỗi đợt chuẩn bị tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hay chuẩn bị đại hội các cấp thì người ta lại nhao nhao chạy bằng, bằng giả cũng có, bằng thật mà không mất một ngày học, buổi thi nào như ông Chủ tịch xã ở trên làm cũng có. Vì sao người ta không muốn mất công học hành, không cần cái thứ kiến thức ấy mà lại vẫn cần cái bằng. Bởi vì trong các cơ quan Nhà nước bây giờ tuyển dụng, bổ nhiệm dựa trên hồ sơ vẫn quá phổ biến, không có bằng cấp thì làm gì được bổ nhiệm, thế nên người ta chỉ cần càng nhiều bằng càng tốt để đẹp cái hồ sơ ấy. 

Làm cán bộ, phải có bằng cấp âu cũng là điều có lý. Nhưng bằng cấp ấy, cần thiết phải là bằng cấp thật, phải phản ánh kiến thức chuyên môn thật để áp dụng vào thực tế. Người cán bộ kiến thức giả vốn đã nguy hiểm, nhưng người cán bộ đạo đức giả còn nguy hiểm hơn. Ông Chủ tịch xã trên ngay sau đó bị báo chí chất vấn, thì cũng không thừa nhận. Ông bảo ông không nhờ ai thi hộ, và không hiểu tại sao tự nhiên người ta lại đi thi hộ ông, ông cho rằng có người cố ý bôi nhọ thanh danh của ông nên mới làm vậy, nếu ai có bằng chứng ông nhờ người thi hộ thì đến gặp ông. Cứ như tung hỏa mù, chả biết đúng sai thế nào, nhưng mà nghe cái cách giải thích của ông Chủ tịch nó mới hài hước làm sao? 

Muốn không có thi hộ, học hộ thì chỉ có cách là không nên sính bằng cấp nữa mà thôi. Bổ nhiệm, đề bạt cần chú trọng vào chuyên môn thực, chứ đừng nhìn vào cái bằng có dấu đỏ to đùng, nhưng người có bằng chả có tý kiến thức nào.