Reuters hôm 27/12 dẫn nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết hệ thống THAAD được Mỹ triển khai tại Israel đã khai hỏa trong vòng 24 giờ trước đó để chặn một tên lửa phóng từ Yemen.
"Giới chức sẽ phân tích để xác định liệu nỗ lực đánh chặn này có thành công hay không", nguồn tin từ Reuters nói thêm.
Video đăng trên mạng xã hội cho thấy một tên lửa phóng lên trong đêm, được cho là khoảnh khắc tổ hợp THAAD khai hỏa.
Hiện Bộ Quốc phòng Israel và quân đội Mỹ chưa bình luận về thông tin. Trong khi trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã đánh chặn một tên lửa phóng từ Yemen, song không nói đã sử dụng hệ thống phòng không nội địa hay THAAD.
Nếu thông tin được xác thực, đây sẽ lần đầu tiên tổ hợp THAAD thực chiến tại Israel kể từ khi được Mỹ triển khai hồi tháng 10 để bảo vệ đồng minh.
Khoảng 100 quân nhân Mỹ cũng được điều tới Israel để vận hành lá chắn tên lửa.
THAAD được thiết kế vào năm 1987 và chính thức đi vào biên chế năm 2008. Chúng hiện là nòng cốt trong lưới lửa phòng không tầm xa của Mỹ.
Đây cũng là hệ thống phòng không duy nhất của Mỹ có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn đến tầm xa ở giai đoạn cuối, khi chúng đang lao xuống mục tiêu, ở cả trong và ngoài khí quyển.
Đạn đánh chặn của THAAD có tầm bắn 250 km và trần bay 150 km, trang bị cảm biến ảnh nhiệt để bám bắt mục tiêu và phá hủy chúng bằng va chạm trực tiếp, không dùng thuốc nổ, tương tự tính năng hệ thống Arrow 3 của Israel.
Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh gồm đài điều khiển, radar đa chức năng AN/TPY-2, thiết bị kỹ thuật và 6 bệ phóng với tổng cộng 48 đạn sẵn sàng khai hỏa, thường cần khoảng 100 binh sĩ vận hành.
Trước Israel, Mỹ từng triển khai THAAD ở khu vực Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Romania và đặt radar AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ bắt đầu triển khai lực lượng phòng không tại Trung Đông hồi Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990-1991.
Hoạt động này diễn ra liên tục từ đầu những năm 2000, khi hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Israel hai năm một lần để diễn tập đối phó các mối đe dọa phức tạp trên nhiều mặt trận.
Lầu Năm Góc xác nhận quân đội Mỹ đã chuyển một tổ hợp phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD cùng các binh sĩ vận hành tới Israel để bổ sung năng lực phòng không cho đồng minh.
"Tổ hợp THAAD đã tới nơi. Chúng tôi có khả năng đưa tổ hợp vào vận hành rất nhanh và đang đạt mục tiêu đã đề ra", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/10 thông báo.
Radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly lên tới 1.000 km, và tiêu diệt chúng ở khoảng cách 250 km.
Với cơ chế tiêu diệt mục tiêu kiểu "hit to kill", THAAD được đánh giá là hệ thống đánh chặn có độ chính xác nhất hiện nay.
Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo này làm cho THAAD trở thành sát thủ của mọi mục tiêu bay khi rơi vào tầm bắn của nó.
Mặt khác do sử dụng động năng thay vì đầu đạn nổ cũng đã làm giảm đáng kể trọng lượng và kích thước quả đạn, giúp cho hệ thống này có thể mang nhiều đạn hơn những hệ thống cùng loại.
Mỗi xe phóng mang theo 8 đạn tên lửa nhiều gấp đôi số đạn mang theo trên xe phóng của hệ thống Patriot lẫn S-300, S-400 và nhiều gấp 4 lần so với S-500.
THAAD có thể phóng nhiều đạn tên lửa cùng lúc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.
Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc.