Kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977/18-7-2022) (Bài 2): Từ quan hệ “hữu nghị truyền thống” đến quan hệ “hữu nghị vĩ đại”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ trước tới nay, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào tháng 2-2019

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào tháng 2-2019

Những dấu mốc lịch sử

Sau năm 1975, Việt Nam và Lào bước vào thời kỳ mới xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Nhận thấy tầm quan trọng cần thiết phải tăng cường mối quan hệ và hợp tác trên mọi lĩnh vực, ngày 18-7-1977, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. Hiệp ước nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng, một thực tiễn sinh động, một quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam và Lào”.

Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Việc ký kết Hiệp ước là dấu mốc lịch sử, là nền tảng vững chắc, là cơ sở pháp lý để củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác đặc biệt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Cùng với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, hai bên còn ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng thời ra Tuyên bố chung về tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Từ năm 1986, Việt Nam và Lào cùng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được lãnh đạo hai nước chú trọng nâng lên tầm cao mới, trong điều kiện lịch sử chung của hai nước đều kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi nước, kết hợp thỏa đáng thông lệ và tập quán quốc tế với tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, có sự ưu tiên cho nhau, phù hợp với khả năng của mỗi nước.

Bước sang thế kỷ XXI, đây là giai đoạn hai nước tăng cường đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên nền tảng hai quốc gia đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Những thành quả từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước.

Tháng 2-2019, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Lào đã nhất trí nâng cấp từ mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại”. Đây lại là một dấu mốc lịch sử quan trọng nữa, góp phần tạo ra sự đột phá trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Công trình Nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Công trình Nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Mối quan hệ đặc biệt không ngừng đơm hoa kết trái

Trên cơ sở các hiệp định được ký kết, quan hệ Việt - Lào phát triển nhanh chóng và vững chắc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Về tổng thể, quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác; các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước được phát huy hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi, tiếp xúc dưới mọi hình thức linh hoạt; các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào được hai bên phối hợp tổ chức thành công. Trong suốt 60 năm kể từ khi Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã ký kết hàng trăm văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý biên giới, thương mại, đầu tư, đến năng lượng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, lao động…

Từ năm 2001 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã triển khai đa dạng, thường xuyên và có hiệu quả nhiều hình thức hợp tác nhằm không ngừng củng cố, thắt chặt quan hệ chính trị tốt đẹp. Hàng năm, hai Đảng đều tổ chức thành công các cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị dưới nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ các vấn đề có tính chiến lược và định hướng cho tổng thể quan hệ hai nước cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; duy trì cơ chế cử đặc phái viên khi cần thiết... Đặc biệt, tháng 8-2021, Việt Nam đã chính thức bàn giao cho Lào công trình tòa nhà Quốc hội mới sau 4 năm xây dựng. Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.

Trong lĩnh vực kinh tế, trao đổi thương mại Việt Nam - Lào tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020. Các cơ chế ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện với danh mục ngày càng mở rộng. Năm 2021, dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng 33,3%, đạt 1,37 tỷ USD. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào và là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với 214 dự án tại Lào và tổng số vốn đạt 5,33 tỷ USD.

Trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, Việt Nam - Lào có quan hệ hợp tác rất khăng khít và hiệu quả. Hàng năm Việt Nam đều dành cho Lào nhiều suất học bổng ở các cấp như cao đẳng, đại học, trên đại học. Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đào tạo cho Lào gần 30.000 người với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người. Năm học 2019-2020, tổng số lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 16.644 người.

Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước được quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau nhằm đối phó với các thách thức ngày càng đa dạng, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh ở mỗi nước, tích cực xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Nhìn lại lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái. Mối quan hệ này đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau”.

(Còn nữa)