Kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977/18-7-2022) (Bài 1): Từ tình cảm chân thành đến liên minh chiến đấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nói đến tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, không thể không nhắc đến tình cảm chân thành giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông. Hai con người khác nhau, hai cuộc đời với điều kiện xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng yêu nước, thương dân và không nề hà gian khó, quyết phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân hai dân tộc Việt - Lào.

Cuộc gặp “thiên mệnh”

Mùa thu 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam vẫn đặc biệt quan tâm đến một vị hoàng thân của Hoàng tộc Lào. Đó là Hoàng thân Xuphanuvông. Sau khi học ở trường Anbe Xarô (Việt Nam), Hoàng thân Xuphanuvông sang tu nghiệp tại nước Pháp. Từng được đào tạo cơ bản và trở thành một kỹ sư cầu đường ở một trong những trung tâm chính trị, văn hóa lớn của thế giới là Paris (Pháp); biết và nói giỏi nhiều ngôn ngữ của các quốc gia nhưng vì rất yêu “nhân dân gian nan vất vả của mình”, Hoàng thân đã trở về làm việc tại Việt Nam, gần đất nước Lào thân yêu của ông.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 2 nước Việt Nam - Lào, ngày 18-7-1977

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 2 nước Việt Nam - Lào, ngày 18-7-1977

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Việt Nam, Hoàng thân Xuphanuvông đang có mặt ở Vinh. Nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân đã ra Hà Nội hội kiến với Người vào ngày 4-9-1945. Mặc dù đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau nhưng trong những năm tháng tu nghiệp tại Paris, Hoàng thân Xuphanuvông đã từng nghe đến Bản Yêu sách của nhân dân An Nam rất nổi tiếng trên chính trường và nhân vật Nguyễn Ái Quốc mà mật thám Pháp rất quan tâm. Tuy nhiên, đến lúc đó, Hoàng thân Xuphanuvông mới biết Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự giản dị và thân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến Hoàng thân Xuphanuvông ngỡ ngàng. Cũng là một người yêu nước chân thành và đầy nhiệt huyết, Hoàng thân vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủng hộ lý tưởng của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, đồng thời mong muốn làm “một cái gì đó” cho đất nước và nhân dân Lào của mình.

Trong cuộc gặp như Hoàng thân Xuphanuvông mô tả là “thiên mệnh” đó, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân đều nhận thức sâu sắc rằng: Việt Nam và Lào là hai đất nước láng giềng, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, “tối lửa, tắt đèn” có nhau. Cuộc hội ngộ ấy đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước của hai dân tộc Việt Nam và Lào: Đó là “cùng chung một chiến hào” chống kẻ thù chung, cùng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong hành trình hướng đến tương lai, sáng ngời một tình bạn hữu nghị, thủy chung, trong sáng, đặc biệt trong lịch sử quan hệ quốc tế đương đại.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng niềm tin và sự quan tâm với Hoàng thân Xuphanuvông, trong những năm sau đó, Người đã cùng Hoàng thân và các vị lãnh đạo của nhân dân Lào như đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon… hết lòng chăm lo, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt Việt - Lào. Còn với Hoàng thân, ông từng nói, cuộc gặp gỡ đặc biệt đó đã giúp ông “học được nhiều điều rất bổ ích”. Đó là một trong những ngày hệ trọng nhất trong cuộc đời của Hoàng thân, bởi “chính cuộc gặp gỡ đó đã biến đổi ông từ một Thái tử của Hoàng gia Lào thành người chiến sĩ cách mạng”. Cảm nhận từ Chủ tịch Hồ Chí Minh khát vọng “tìm đường cứu dân, cứu nước” và quyết “không buông trôi theo số phận”, Hoàng thân Xuphanuvông trở về nước để lãnh đạo đấu tranh giải phóng nhân dân Lào.

Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950

Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950

Liên minh chiến đấu “chung một chiến hào”

Mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Xuphanuvông, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đặt nền móng và dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Với sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12-10-1945), tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam được nâng lên tầm liên minh chiến đấu. Ngay sau khi giành được chính quyền, chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước tương trợ Lào - Việt Nam và Hiệp định về tổ chức liên quân Việt Nam - Lào, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Lào - Việt Nam. Những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào sát cánh cùng lực lượng vũ trang Pathet Lào trong cuộc kháng chiến.

Với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Lào - Việt Nam giai đoạn từ năm 1945-1975, hai nước đã liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia. Sự hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc Hiệp định Geneve năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.

Từ sau năm 1954, tinh thần đoàn kết Lào - Việt Nam càng được hun đúc, tôi luyện khi hai nước hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra. Ngày 5-9-1962, Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy vinh quang. Máu đào của các chiến sĩ Việt, Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn, hòa trong dòng nước sông Mê Kông, nước mắt của những người mẹ Lào, mẹ Việt có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương mất mát. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, Liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt - Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2-12-1975 tại Lào.

Tháng 12-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc họp ở Viêng Chăn đã quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ dân chủ nhân dân ở Lào. Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời. Lịch sử cách mạng Lào đã bước sang một trang mới và Hoàng thân Xuphanuvông - Nhà lãnh đạo kiên cường và đức độ, ngọn cờ đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào yêu nước... đã được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch hội đồng nhân dân tối cao của đất nước Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chúng tôi coi hạnh phúc và thịnh vượng của anh em Lào cũng như của mình”. Định hướng đó cùng phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình” đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam lĩnh hội, tiếp tục soi rọi trong tiến trình lịch sử của hai dân tộc.

(Còn nữa)