Kinh tế Việt Nam 2012: Vừa mừng, vừa lo

ANTĐ - Sản xuất công nghiệp giảm sút là một trong những nguyên nhân khiến GDP không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu và kiềm chế lạm phát lại là điểm sáng của nền kinh tế năm 2012. Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24-12.

Sản xuất công nghiệp giảm sút tác động tiêu cực đến nền kinh tế

GDP năm 2012 tăng 5,03%

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42% đóng góp 2,7 điểm phần trăm. Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, GDP tăng 5,03% là thấp hơn so với mục tiêu đề ra. “Mặc dù Quốc hội đã điều chỉnh chỉ tiêu này nhiều lần và “chốt” lại ở mức 6-6,5% so với năm 2011 song đây vẫn là con số rất đáng quý. Mục tiêu cao nhất của năm 2012 là kiềm chế lạm phát đã đạt được. Tăng trưởng GDP năm nay có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước”- ông Thức nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, dư nợ tín dụng thấp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản đã khiến những hy vọng về sự khởi sắc của kinh tế những tháng cuối năm không đạt được. Cách đây hơn 1 tháng, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (Ciem) đã đưa ra dự báo GDP năm nay tăng 5,2%.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, biểu hiện khá cụ thể của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp cả năm 2012 tăng chậm. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số này chỉ tăng 4,8% so với năm 2011, thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong đó, một số ngành có mức sản xuất tăng thấp hoặc giảm là: May mặc trang phục; sản xuất sắt, thép, gang; thiết bị điện; vải dệt thoi; giày dép, dây điện cáp điện; hàng may sẵn; xi măng… lại là những ngành có tỷ trọng lớn trong GDP. 

Bên cạnh đó, đóng góp nhiều điểm phần trăm trong cơ cấu GDP, lĩnh vực dịch vụ cũng giảm sút. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 chỉ tăng 16% so với năm 2011. Nhu cầu mua sắm không tăng khiến hàng tồn kho ngày càng lớn. Tại thời điểm    1-12-2012, tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8%; sản xuất xi măng tăng 30,6%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 28,6%...

CPI thấp hơn mục tiêu

Đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 ước tăng 6,81% so với năm 2011. CPI bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Có thể thấy, CPI năm 2012 tăng 6,81%, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011. Tuy nhiên, đây lại là năm giá có nhiều biến động và bất thường. Cụ thể, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm, nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 (2,2%), chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng với nhóm giáo dục. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết Âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và 7). 

Về nhóm hàng thì nhóm lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung. Trong khi đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh, chỉ số giá nhóm giáo dục tuy mức tăng giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao. 

Đại diện Vụ Thống kê giá- Tổng cục Thống kê cho rằng, người dân thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hạn chế là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp. Từ năm 2007 đến nay, CPI có quy luật hai năm tăng cao đến một năm tăng thấp. Điều này có nguyên do từ việc do sức mua suy giảm, người bán lẻ không dám tăng giá hàng hóa, dịch vụ để tiêu thụ hàng hóa. Nhưng giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng nên đến lúc nào đó không thể kiềm giữ giá bán, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng vọt, khiến CPI tăng cao liên tiếp. Về CPI năm 2013, vị đại diện này cho biết việc dự báo rất phức tạp. “Theo lộ trình, một số hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục điều chỉnh giá như: giá dịch vụ y tế, giá than... Hiện nay mới có 30/63 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá viện phí, còn 33 tỉnh nữa. Thực tế năm 2012, việc điều chỉnh giá nhóm hàng này đã tác động mạnh đến CPI”- vị đại diện cho biết. Tất yếu của việc CPI tăng là đời sống của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình trở xuống bị ảnh hưởng.

Bên cạnh tín hiệu vui từ kiềm chế được lạm phát, nền kinh tế cũng lần thứ 2 sau 20 năm (kể từ năm 1992) xuất siêu 284 triệu USD (năm 1992 xuất siêu 40 triệu USD). Năm 2012, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2012 đã đóng góp 2,93 điểm phần trăm trong tăng trưởng 5,03% GDP của năm nay.