Kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh

ANTD.VN - Dù một số khu vực và nền kinh tế của thế giới duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhiều khu vực và nền kinh tế khác vẫn phải chịu những “cơn gió ngược”, nhất là các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông tiếp diễn, khiến kinh tế toàn cầu phục hồi bấp bênh.

Các định chế tài chính lớn của thế giới cho rằng kinh tế toàn cầu phục hồi bấp bênh do đối mặt với nhiều thách thức nhất là các cuộc xung đột

Hầu hết các nền kinh tế “hạ cánh mềm”

Tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra mới đây, IMF nhận định, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có thể “hạ cánh mềm” với lạm phát cao được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng hoặc tình trạng mất việc làm ồ ạt. Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn đang bị tổn thương vì giá cả tăng cao và tăng trưởng toàn cầu đang yếu. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ mắc kẹt trên con đường tăng trưởng thấp, nợ cao có thể làm giảm thu nhập và việc làm.

Hai định chế tài chính hàng đầu thế giới cho rằng, tình trạng giá cả cao dai dẳng, chi tiêu quân sự tăng, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ, các hạn chế thương mại và nợ công cao sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu ảm đạm trong thời gian tới. Thế nhưng, thế giới vẫn có những điểm sáng được ghi nhận tại nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và nhất là điểm sáng là một số nền kinh tế tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

IMF ngay trước đó cũng vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất trong năm 2024 và năm sau. Báo cáo của IMF đã đưa ra một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng toàn cầu, cũng như cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Theo đó, các chuyên gia của IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3,2% như dự báo đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Dù vậy, dự báo tăng trưởng trong năm 2025 đã bị định chế tài chính này điều chỉnh giảm 0,1 điểm % xuống còn 3,2%. Theo IMF, triển vọng toàn cầu đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong trung hạn.

Bà Petya Koeva Brooks, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thuộc IMF cho biết, tại hầu hết các nước, lạm phát được kỳ vọng sẽ quay trở lại ở mức mục tiêu. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu vẫn khá vững vàng và chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ là 3,2% trong cả năm nay và năm sau. Tuy nhiên, thông tin không mấy tích cực là trong trung hạn, tăng trưởng có thể vẫn bị hạn chế, ở mức hơn 3,1% một chút.

IMF cảnh báo, bất chấp những tin tức tích cực về lạm phát, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể kéo lùi đà tăng trưởng, từ sự gia tăng bất ổn địa chính trị cho tới việc các quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp và người lao động trong nước. Ông Pierre Olivier Gourinchas, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thuộc IMF nhận định, các rủi ro này bao gồm sự leo thang các cuộc xung đột khu vực đặc biệt là tại Trung Đông, có thể gây ra tác động nghiêm trọng tới thị trường hàng hóa. Những thay đổi dẫn tới những chính sách thương mại và công nghiệp không phù hợp cũng có thể làm giảm đáng kể sản lượng kinh tế. Ngoài ra, việc giảm mạnh số người di cư vào các nền kinh tế tiên tiến, có thể triệt tiêu một số sự gia tăng nguồn cung ứng lao động.

Các chuyên gia cũng dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,1% trong năm nay và 3,4% trong năm 2025, cải thiện đáng kể so với mức tăng 0,8% của năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động thương mại có thể kém hiệu quả hơn, nếu căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, kéo theo các biện pháp áp thuế quan và đáp trả. Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,1% trong năm nay và 3,4% trong năm 2025.

Điểm sáng châu Á - Thái Bình Dương

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu chưa mấy sáng sủa vẫn có những điểm sáng, được xem là các động lực thúc đẩy tăng trưởng. Theo IMF, Mỹ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các nền kinh tế phát triển khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống gần mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khiến cơ quan đóng vai trò Ngân hàng trung ương này bắt đầu cắt giảm lãi suất.

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ mức ước tính trước đó là 2,6% lên 2,8%, do chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn và tiền lương tăng. Song, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,2% vào năm 2025. Một điểm sáng khác của kinh tế thế giới là châu Á - Thái Bình Dương khi IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực này lên 4,6% cho năm 2024 và 4,4% cho năm sau, bất chấp các điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn. Theo IMF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đóng góp 60% vào tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trong tương lai, IMF kỳ vọng nhu cầu nội địa ở khu vực châu Á sẽ gia tăng trước các khu vực khác, sau những tác động của các đợt thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Định chế tài này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn vững chắc, mặc dù hai nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại phần nào vào năm 2025. Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và rộng khắp.

Các nước ở châu Á đã đưa lạm phát về mức thấp và ổn định nhanh hơn các khu vực khác. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các ngân trung ương châu Á hiện có thể cắt giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh FED đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Thế nhưng, Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF Krishna

Srinivasan lưu ý, các điều kiện bên ngoài của nền kinh tế châu Á vẫn khắc nghiệt và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực đang gia tăng, ví dụ như có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu có thể suy yếu, yếu tố sẽ tác động không tốt đối với châu Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhu cầu nội địa Trung Quốc yếu cũng tiếp tục ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực. Ngoài ra, các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục triển khai nhiều hơn các rào cản thương mại, buộc các luồng thương mại phải điều chỉnh, khiến chi phí gia tăng. Theo ông Krishna Srinivasan, điều này sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại và châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng lớn do sự liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam cũng được các tổ chức tài chính đánh giá tích cực về tăng trưởng, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng của khu vực và thế giới. IMF kỳ vọng, GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức tài chính này đưa ra hồi tháng 6. WB cũng dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam này là 6,1%. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%. IMF đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh để ổn định vĩ mô khi quá trình phục hồi sau đại dịch gặp nhiều thách thức trong và ngoài nước. Và điều đó giúp kinh tế Việt Nam vững vàng hơn trước những “con gió ngược” ở khu vực và thế giới.