Kinh tế thế giới âu lo với giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá dầu - mặt hàng nhiên liệu mang tính sống còn với nền kinh tế toàn cầu - những ngày qua tăng giảm thất thường không chỉ tùy theo tình hình xung đột vũ trang Nga - Ukraine mà còn tùy thuộc vào các động thái của OPEC+ cũng như dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc.
Biến động thất thường của giá dầu mỏ thế giới ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19

Biến động thất thường của giá dầu mỏ thế giới ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19

Thất thường giá dầu thế giới

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu thị trường thế giới đã tăng hơn 8% khi mà các nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Theo đó, chốt phiên trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4 tăng 7,94 USD (8,35%) lên 102,98 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 8,62 USD (8,79%) lên 106,64 USD/thùng, mức tăng lớn nhất kể từ giữa năm 2020.

Trước đó vài ngày, giá dầu thế giới đã giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2. Trong phiên giao dịch ngày 15-3 tại New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 giảm 6,57 USD (6,4%), xuống mức 96,44 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 5 giảm 6,99 USD (6,9%), đóng phiên ở mức 99,91 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 14-3, giá dầu WTI và Brent cũng đã giảm lần lượt 5,8% và 5,1%.

Giá dầu giảm mạnh là do có những thông tin tích cực từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ông Carsten Fritsch, nhà phân tích năng lượng thuộc Commerzbank Research cho rằng, triển vọng về một lệnh ngừng bắn tại Ukraine là yếu tố tác động khiến dầu mỏ và khí đốt giảm giá. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên tiếp nhằm vào Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung dầu vì Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.

Thế nên, khi những thông tin từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cho thấy đây là một tiến trình vô cùng khó khăn, giá dầu thế giới đã gia tăng trở lại vào cuối tuần qua. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính kể từ tháng 4 tới, các thị trường có thể mất 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Trong một báo cáo, IEA lưu ý tình trạng sụt giảm nguồn cung sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn.

Khi áp đặt trừng phạt Nga - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu - Mỹ và phương Tây đã tìm cách tác động, gây áp lực lên các thành viên mỏ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để gia tăng sản lượng nhằm bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ nguồn cung cấp của Nga. Thế nhưng, dường như các thành viên OPEC với lợi ích sát sườn của mình không muốn gia tăng sản lượng bất chấp sức ép của Washington và phương Tây.

Dầu mỏ là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn nên chắc chắn không quốc gia xuất khẩu thứ “vàng đen” quý giá này lại tăng sản lượng khi mà họ không cần làm điều này thì nguồn thu ngoại tệ vẫn tăng do giá dầu thế giới tăng. Chính vì điều này mà OPEC đã cùng với các nước xuất khẩu dầu mỏ khác không nằm trong tổ chức này hình thành nên cơ chế OPEC và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, để điều tiết thị trường dầu thế giới sao cho có lợi nhất cho mình, vừa thu được nhiều ngoại tệ vừa hạn chế không gia tăng sản lượng.

Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19-3 đã lên tiếng đề cao cơ chế OPEC+ mà nước này là một đối tác khi khẳng định, định dạng OPEC+ sẽ vẫn cần thiết đối với những nước tham gia mới xuất hiện trên thị trường cung ứng dầu mỏ toàn cầu. Theo đó, hạn ngạch phân bổ cho các nước xuất khẩu sẽ được các nước OPEC+ thảo luận và nhất trí thông qua đồng thuận, do vậy, hiện không có lí do để hủy bỏ cơ chế này.

Gây khó cho sự phục hồi sau đại dịch Covid-19

Thiếu hụt nguồn cung quan trọng từ Nga do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây trong khi OPEC cũng như OPEC+ không sẵn sàng gia tăng sản lượng, giá dầu thế giới còn bị tác động lớn từ “sức khỏe” các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu thế giới hạ xuống dưới 100 USD/thùng vào ngày 15-3 vừa qua là do chính quyền thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng do Covid-19 được cho là có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, khiến giới đầu tư cân nhắc lại dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Có thế thấy, ngoài nhân tố chính là cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, còn có nhiều yếu tố tác động tới giá dầu thế giới. Và không ai có thể đoán định được mặt hàng chiến lược sống còn này khi có nhiều biến số như vậy. Nói cách khác khi mà xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn thì giá dầu thế giới còn lên xuống thất thường.

Sự thất thường của giá dầu thế giới với xu hướng chính ở vùng giá rất cao đã tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu mỏ trong GDP của thế giới vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là động lực chính thúc đẩy lạm phát - vốn thực sự chịu tác động từ các chính sách tiền tệ nới lỏng - nhưng dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới bởi lẽ nó là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất... Vì vậy, tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng khi mua xăng dầu mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang.

Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế. Khi mà các nền kinh tế trên khắp thế giới đang phục hồi sau giai đoạn phong tỏa để kiểm soát đại dịch Covid-19, giá cả mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm đến quần áo tới dịch vụ đều tăng trở lại song thiếu hàng hóa do những gián đoạn nguồn cung.

Trước nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, vượt mốc 100USD/thùng và thậm chí còn cao hơn, hãng tin Bloomberg nhận định, giá dầu tăng cao sẽ giáng “đòn kép” vào nền kinh tế thế giới bằng cách thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.

Trong khi đó, IEA cảnh báo rằng, nếu tình trạng chênh lệch nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới còn tiếp tục kéo dài như hiện nay, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

Khi cơn sốt giá dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên biểu đồ giá dầu thế giới, các nhà kinh tế học đã vạch ra một số kịch bản khác nhau. Trong đó, ngân hàng JPMorgan đưa ra dự báo bi quan rằng, giá dầu có thể tăng phi mã lên 150USD/thùng và nếu điều này xảy ra sẽ gần như chặn đứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và nâng lạm phát lên hơn 7%, cao gấp 3 mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Tất nhiên, mọi dự báo vẫn chỉ là dự báo, song các nhà kinh tế cùng thống nhất cho rằng, giá dầu cao như hiện nay đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình phục hồi khi đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.