Kinh tế biển gắn liền chủ quyền

ANTĐ - Bâu quanh giàn khoan Hải Dương 981, mấy ngày nay, phía Trung Quốc vẫn duy trì 110-115 tàu các loại, trong đó có 35-40 tàu Hải cảnh, 30 tàu vận tải-tàu kéo, 40-45 tàu cá, 4 tàu quân sự. Sự hung hãn, tàn bạo của họ cũng ngày càng gia tăng. Họ đã gây nhiều hư hại, tổn thất cho tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển của ta; ngăn cản, tấn công không cho tàu cá Việt Nam đánh bắt ở ngư trường truyền thống hòng “đánh” cả vào kinh tế lẫn ý chí của ngư dân.

Trên Diễn đàn “Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung” vừa diễn ra, các đại biểu đều nhấn mạnh đến sự an nguy của hàng vạn ngư dân, đặc biệt lo ngại khoản tín dụng 10.000 tỷ đồng dù lãi suất ưu đãi khó có thể tiếp sức kịp thời, mạnh mẽ cho ngư dân đang phải chống chọi không chỉ với thiên tai, rủi ro mà cả “nhân tai” hung dữ.

Đúng vào lúc “nước sôi lửa bỏng” này, Thủ tướng Chính phủ đích thân đi kiểm tra thị sát tiến độ đóng 2 tàu Kiểm ngư lớn và hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến sẽ bàn giao vào giữa tháng 7 tới. Thủ tướng cũng khẳng định Nhà nước sẽ đầu tư để đóng thêm 4 tàu Kiểm ngư, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2.000 tấn của lực lượng Kiểm ngư lên 6 chiếc. Cùng với 2 tàu Kiểm ngư có cùng công suất đã được hạ thủy và đang hoạt động, thì lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại. Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu Kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần, với 30 tàu Kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ được trang bị khoảng 50 tàu hiện đại. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và giới chuyên gia, trước đây các chương trình đánh bắt xa bờ hay các dự án thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép bị “mắc kẹt” ở khâu kinh phí, vì thế đến nay đội tàu cá xa bờ của ta chỉ có 25.000 chiếc với 90 mã lực, khả năng đánh bắt từ 50 hải lý trở lại. Đây là lúc cấp bách nâng cấp toàn bộ số tàu vỏ gỗ này lên tàu vỏ thép, có công suất lớn, đi biển xa và có thể đương đầu với những hành động gây rối, hiếu chiến của tàu Trung Quốc.

Phát triển kinh tế biển không phải vấn đề bây giờ mới đặt ra, nhưng trước “sự kiện Biển Đông”, lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu sắt lớn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và có lộ trình thay thế tàu vỏ gỗ. Theo đó, phải đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng, đồng thời đào tạo kỹ thuật cho ngư dân. Tổng thư ký Hội Nghề cá cho rằng, đóng một tàu vỏ sắt phải đầu tư 8-9 tỷ đồng, ngư dân phải đối ứng 2-3 tỷ đồng. Với khoản vay 7-8 tỷ đồng, lãi suất 3%/năm, thì ngư dân phải trả lãi mỗi năm vài chục triệu đồng. Vì vậy cần khảo sát ý kiến ngư dân. Tuy nhiên, cho dân vay đóng tàu vỏ sắt sẽ hiệu quả hơn là cho thuê. Bởi vì, nếu là tàu mà ngư dân bỏ tiền vào, bà con sẽ có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng, quản lý. Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền, vì thế đây là lúc quyết liệt cắt bỏ những dự án “treo” cũng như những dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Biển Đông có lặng sóng bình yên thì trên bờ mới có thể phát triển bền vững.