Khủng hoảng Ukraine tác động thế nào tới kinh tế châu Á?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là những nền kinh tế có độ mở cao nên kinh tế châu Á được cho là sẽ chịu những tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng tác động lớn tới giá dầu cũng như nhiều loại hàng hóa là đầu vào quan trọng của kinh tế châu Á.
Cuộc khủng hoảng Ukraine tác động lớn tới giá dầu cũng như nhiều loại hàng hóa là đầu vào quan trọng của kinh tế châu Á

Cuộc khủng hoảng Ukraine tác động lớn tới giá dầu cũng như nhiều loại hàng hóa là đầu vào quan trọng của kinh tế châu Á

Tác động tới thị trường tài chính và nhiên liệu đầu vào

Việc cuộc khủng hoảng Ukraine leo lên nấc thang căng thẳng mới nguy hiểm đã tác động gần như lập tức tới các thị trường tài chính và dầu thô thế giới. Chung “nhịp đập” với thế giới, các chỉ số chứng khoán tại châu Á đều cùng giảm mạnh trong ngày 24-2, ngày mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass nằm ở phía Đông Ukraine giáp với Nga và có những tin về xung đột cũng như thương vong đầu tiên.

Theo đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,1% xuống còn 26.161,46 điểm; chỉ số Hang Seng trên thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) cũng giảm 1,6% xuống còn 23.2929,10 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm nhẹ hơn, ở mức 0,2%, xuống còn 3.483,22 điểm.

Ngay sau khi có tin về việc Nga mở chiến dịch quân sự vào vùng Donbass, giá dầu thế giới lập tức gia tăng, vượt mốc 100 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 24-2 (theo giờ Việt Nam). Cụ thể, giá dầu Brent đã lên mức 100,04 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu thô trên thị trường thế giới vượt mốc 100 USD/thùng trong hơn 7 năm qua.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể tác động nghiêm trọng tới châu Á khi giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt, gây thêm áp lực lên các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực vốn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất là những quốc gia phải nhập gần như hoàn toàn nhiên liệu từ thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải chống chọi với chi phí đầu vào tăng cao. Đây cũng là những quốc gia phụ thuộc rất lớn vào dầu thô và khí đốt của Nga để sản xuất.

Nga hiện là nhà cung cấp xăng dầu lớn thứ ba thế giới, thế nên bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung dầu từ quốc gia này đều có thể châm ngòi cho sự tăng giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm. Hiện nay, giá dầu thô thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng giới kinh tế lo ngại giá nhiên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế thế giới cũng như châu Á này còn có thể tăng cao hơn nữa, tùy theo diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng Ukraine. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời nhấn mạnh thêm là gần như tất cả nhu cầu năng lượng của nước này đều dựa vào nhập khẩu.

Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á khác là Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải nhập khẩu nhiều khí đốt và dầu thô từ Nga và thị trường thế giới. Giá cả nhiên liệu đầu vào tăng cao có thể kéo theo chi phí canh tác và giá lương thực tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á mới nổi, nơi thực phẩm chiếm một phần lớn trong hoạt động tiêu dùng.

Việc giá dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng giá sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng ở châu Á. Bởi nếu giá các mặt hàng thiết yếu này trên thị trường thế giới tăng cao thì các nhà nhập khẩu và phân phối trong nước ở châu Á cũng buộc phải tăng giá bán lẻ và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới túi tiền của người tiêu dùng.

Nguy cơ đối với chuỗi cung ứng hàng hóa

Có thể thấy, mặc dù các nước châu Á không ở gần và cũng không trực tiếp liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng các tác động địa chính trị và kinh tế của cuộc khủng hoảng đối với khu vực này được cho vẫn rất đáng kể. Những năm gần đây, khu vực châu Á ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu của Nga.

Theo tính toán, có tới hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của Nga được chuyển đến các nước châu Á, nhất là các nước như Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi Nga công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở Donbass thuộc miền Đông Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây mới áp đặt các biện pháp trừng phạt lên giới tinh hoa và hệ thống tài chính của Nga mà chưa có động thái tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu từ Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp căng thẳng tiếp tục leo thang như xảy ra đụng độ, xung đột quân sự, các biện pháp trừng phạt này sẽ mở rộng, tác động mạnh tới thị trường và đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga tăng vọt như dầu, khí đốt và kim loại.

Trong bối cảnh kinh tế châu Á vẫn đang vất vả tìm kiếm sự hồi phục do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên, nguyên liệu từ Nga sẽ tác động lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của châu lục này. Thị trường còn đang “ngóng” xem cuộc khủng hoảng có dừng lại ở khu vực Donbass hay còn tiếp tục tiến về phía thủ đô Kiev của Ukraine.

Theo ghi nhận, giá cả của nhiều mặt hàng quan trọng, từ dầu mỏ, ngũ cốc đến kim loại đều đã tăng lên do lo ngại rằng dòng chảy hàng hóa sẽ bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó báo trước những thách thức mới cho sự phục hồi toàn cầu cũng như châu Á vốn đã đang phải vật lộn với áp lực giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong khi các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á tìm kiếm nguồn cung dầu và khí đốt khác, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng rất có thể sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng sẽ phải can thiệp nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Và điều này có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Á, sẽ tăng từ 0,5% hiện nay lên 2% vào tháng 4 tới. Đây là mức lạm phát được xem là cao với nước Nhật.

Giới chuyên gia kinh tế khu vực cảnh báo, ngoài lạm phát và tăng trưởng chậm, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng sẽ làm phức tạp các khoản đầu tư hiện tại và các dự án đã lên kế hoạch trước, cũng như việc cho vay của các ngân hàng ở châu Á. Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho rằng, do tác động từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine lan sang các nền kinh tế châu Á, Chính phủ sẽ không ngần ngại áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo duy trì nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Cuộc khủng hoảng Ukraine nếu càng leo thang căng thẳng sẽ càng tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, trong đó có có kinh tế châu Á. Tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này vì thế không chỉ là điều cấp bách với các bên liên quan trực tiếp mà cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.