Khủng hoảng ca khúc cho thiếu nhi

(ANTĐ) -Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 15.000 trường tiểu học, gần 10.000 trường trung học cơ sở và hàng nghìn trường trung học phổ thông và cả chục nghìn trường mầm non với tổng số khoảng 20 triệu em. Nhu cầu âm nhạc của các em rất lớn. Thế nhưng, ca khúc dành cho các em đang ngày càng trở nên nghèo nàn, thưa vắng.
Cho đến nay, hầu hết những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi phần lớn là những bài hát đã có mấy chục tuổi đời. Trong tuyển tập “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20” do do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức bình chọn vào năm 2000 vẫn là các ca khúc mà trẻ em cách đây khoảng 30 năm thường hát như Tuổi hồng (Trương Quang Lục), Bụi phấn (Võ Hoàng), Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên). Gần như không có bài hát thời mới nào lọt vào tuyển tập các ca khúc thiếu nhi được xuất bản gần đây nhất này.

 Những ca khúc hay cho thiếu nhi luôn hiếm mặc dù nhu cầu rất lớn
 Những ca khúc hay cho thiếu nhi luôn hiếm mặc dù nhu cầu rất lớn

Cô Nguyễn Hương Mai, giáo viên dạy âm nhạc một trường tiểu học cho biết: Từ năm này sang năm khác chúng tôi vẫn phải dạy các em những bài đã trở nên quen thuộc, đã cũ vì hầu như không có sáng tác mới dành cho thiếu nhi. Tuyển tập 50 bài hát viết cho thiếu nhi gần như là giáo trình mới nhất mà chúng tôi có được nhưng trong đó phần lớn là những bài hát cũ. Hiện nay chỉ có khoảng 100 bài hát được viết trước năm 2000 được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc giảng dạy tại các cấp học.

Trên thực tế, vẫn có những ca khúc mới cho thiếu nhi nhưng ít có bài hay và có sức lan tỏa như trước. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng những sáng tác dành cho tuổi học sinh (từ tiểu học đến phổ thông trung học) hiện thiếu những bài hay mang tính giáo dục mà thừa những bài “nhái, lai căng” mà nhiều người hay gọi là nhạc “chế” đang ngấm dần vào cả một thế hệ. Nhất là trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin bùng nổ, âm nhạc lại có tính giao thoa, ảnh hưởng, hòa đồng lẫn nhau nên lan truyền rất nhanh. Dễ dàng nhìn thấy nguy cơ nghiệp dư hóa trong sáng tác và không có kiểm duyệt đang diễn ra.

Nhìn vào lực lượng những nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi cũng thấy quá ít ỏi. Những nhạc sĩ thuộc “cây đa, cây đề” trong làng sáng tác cho thiếu nhi như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân do điều kiện tuổi tác, sức khỏe đã không còn sáng tạo đều đặn được như trước. Còn các nhạc sĩ trẻ hiện đang rất đông và hùng hậu lại hầu hết chạy theo việc sáng tác nhạc cho người lớn, nhạc phim, nhạc thị trường, đơn giản vì dễ kiếm tiền và dễ nổi danh hơn. Nhạc sĩ Hoàng Lân từng không ngần ngại nói thẳng: “Sáng tác cho thiếu nhi được rất ít ưu đãi vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận 50 nghìn đồng nhuận bút. Vì vậy, chả trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc nhà trường. Hội Nhạc sĩ hàng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì làm sao phổ biến được. Đài phát thanh là nơi chuyển tải ca khúc cũng không giúp gì nhiều cho nhạc sĩ. Hiện có tình trạng, nếu tác giả gửi ca khúc dạng bản nhạc đến thì việc phát là điều hy hữu. Còn muốn nhanh, ngoài chất lượng, tốt nhất tác giả hãy tự bỏ 5 triệu đồng thu đĩa rồi hẵng gửi”.

Bài hát đã ít, việc phổ biến cũng ít. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam luôn được coi là “bà đỡ” mát tay cho những tác phẩm tốt dành cho thiếu nhi, là nơi khích lệ và bồi dưỡng các nhạc sĩ viết cho trẻ thơ song phần “đất” dành cho nhạc thiếu nhi hiện nay chỉ dừng ở các chương trình Đồ Rê Mí của Đài Truyền hình Việt Nam, Em yêu làn điệu dân ca, Kể chuyện bài hát em yêu, Sinh hoạt âm nhạc thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc những chương trình mang tính nhỏ, lẻ khác.

Giáo dục âm nhạc trong nhà trường đã triển khai hơn 10 năm qua và khả năng giáo dục tư tưởng con người, giáo dục nhân cách, lối sống con người của âm nhạc đã được khẳng định. Vì vậy rất cần thiết có những ca khúc phù hợp cho lứa tuổi phổ thông. Để nâng cao chất lượng sáng tác âm nhạc cho trẻ em, Hội Âm nhạc Hà Nội đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cuộc “Vận động sáng tác ca khúc và hợp xướng cho học sinh phổ thông” từ tháng 4 cho đến hết tháng 10-2011 với kỳ vọng sẽ có nhiều bài hát mới phù hợp với độ tuổi của các em. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất sau cuộc vận động không phải là sẽ có bao nhiêu bài hát mới ra đời mà là các sáng tác có cảm xúc, có sức lan tỏa và dành được sự yêu mến của các em hay không?