Không vay tiền vẫn bị công ty tài chính quấy rầy

ANTD.VN - Không hề vay tiền của công ty tài chính nhưng nhiều người vẫn bị nhân viên các công ty này quấy rầy bằng cách gọi điện “tra tấn” mỗi ngày.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp thu hồi nợ phải tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều trường hợp bị quấy rối, gây sức ép, dù không liên quan gì đến khoản vay.

Không vay tiền vẫn bị “hỏi thăm”

Anh Trần Thái Nghĩa (quận Đống Đa, Hà Nội) từng rất khó chịu khi liên tục bị nhân viên một công ty tài chính gọi điện để nhắc nợ, dù anh không hề vay bất kỳ khoản tiền nào của công ty này. 

Anh Nghĩa kể lại, hồi tháng 1-2017, anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu là nhân viên của một công ty tài chính và hỏi có phải bà Nguyễn Thị Q là mẹ vợ anh không. Nhân viên này cho biết, bà Q đã mua một gói chăm sóc sức khỏe và có vay của công ty này 26 triệu đồng nhưng hiện nay đã quá ngày đóng tiền định kỳ mà vẫn chưa thanh toán. “Họ nói vì không liên lạc được qua điện thoại với bà Q nên buộc phải gọi cho tôi vì số điện thoại của tôi có trong danh sách số điện thoại tham chiếu khi bà Q vay tiền. Họ nhờ tôi gọi điện cho mẹ vợ để nhắc bà thanh toán đúng hạn nếu không sẽ phải chịu lãi phạt rất cao”.

Vì lịch sự, anh Q gọi điện cho mẹ vợ cũ truyền đạt lại thông tin này, nhưng bà Q cho biết hiện không sử dụng gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nữa nên không thanh toán số tiền còn nợ. Vậy là liên tục những ngày sau đó, anh Q nhận được cuộc điện thoại của những nhân viên khác nhau của công ty tài chính yêu cầu anh nhắc mẹ vợ đến trả nợ.

“Dù tôi đã giải thích với họ là tôi không còn liên quan gì đến bà Q do vợ chồng tôi đã ly dị, nhưng nhân viên công ty cho biết nếu không muốn bị gọi điện làm phiền thì anh phải yêu cầu bà Q đến công ty của họ để hủy bỏ số điện thoại của tôi trong danh sách số điện thoại tham chiếu” - anh Nghĩa cho biết. 

Đây không phải trường hợp cá biệt. Nhiều người cho biết, họ liên tục bị nhân viên các công ty tài chính gọi điện hỏi thông tin về những khách hàng vay nợ, dù họ không vay, không liên quan, thậm chí không biết gì về người đi vay. 

Không chỉ yêu cầu số điện thoại tham chiếu, hiện nay một số công ty tài chính còn yêu cầu người vay phải cung cấp địa chỉ facebook của tối thiểu 3 người trong danh sách bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng. Từ facebook này, các nhân viên của công ty tài chính sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách của người vay nợ. 

Tới thời điểm trả nợ, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hẹn, có thể sẽ bị nhân viên công ty tài chính rêu rao với bạn bè trên facebook. “Việc đòi nợ qua facebook còn gây áp lực ghê gớm hơn qua điện thoại rất nhiều, vì qua điện thoại thì chỉ một người biết, còn trên facebook thì tất cả bạn bè đều biết. Tuy nhiên, luật của chúng ta lại chưa điều chỉnh hành vi này”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho biết.

Thủ tục lỏng lẻo, đòi nợ kiểu “khủng bố”

Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lẽ ra, khi xét duyệt hồ sơ cho vay, công ty tài chính phải liên hệ đến các số điện thoại tham chiếu xem có đúng là người thân của người vay hay không và họ có đồng ý cho phép công ty liên lạc trong trường hợp không liên hệ được người vay hay không. Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, ở vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có quy định rõ về vấn đề này. 

Phân tích nguyên nhân của những hành vi đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính, các chuyên gia cho rằng, ngoài thủ tục cho vay lỏng lẻo thì còn có nguyên nhân do các quy định pháp lý hiện không đảm bảo quyền lợi của chủ nợ dẫn đến các công ty tài chính thường đứng trước áp lực khách hàng trốn nợ. Nếu có đi kiện cũng phải mất vài năm mà chưa chắc đã đòi được nợ, vì vậy, họ buộc phải dùng các biện pháp gây sức ép lên khách hàng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân chủ quan từ các khách hàng cũng rất lớn. Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty tài chính Ngân hàng Quân đội cho biết, theo khảo sát của đơn vị này, có đến 90% khách hàng vay tiêu dùng có thu nhập chỉ từ 5-8 triệu đồng, là một mức thu nhập không cao. Trong khi đó, thời gian phê duyệt một khoản vay tín dụng tiêu dùng rất nhanh, chỉ mất 15-30 phút mà các công ty tài chính lại không hề có một hệ thống dữ liệu chung về khách hàng để có thể loại bỏ những khách hàng có yếu tố xấu, vụ lợi.

“Có một thực tế là một khách hàng có thu nhập trung bình nhưng lại vay tại 3 tổ chức tín dụng khác nhau trong cùng một thời điểm. Trong trường hợp này, chúng tôi không có cách nào để biết được thông tin này” - ông Hoàng Minh Tuấn nói và khuyến nghị cần xây dựng một trung tâm dữ liệu chung về khách hàng cho các tổ chức tín dụng.